Mãn kinh được xem là giai đoạn thứ 3 trong sự phát triển về sinh lý của người phụ nữ. Đây là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên. Sự xuất hiện các rối loạn tiền mãn kinh đánh dấu bước chuyển tiếp từ trạng thái có khả năng sinh sản sang trạng thái không còn khả năng sinh sản. Vậy tiền mãn kinh là gì và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe phụ nữ?
1. Rối loạn tiền mãn kinh
Hầu hết chị em phụ nữ khi bước vào độ tuổi 40 sẽ bắt đầu có những biểu hiện của rối loạn tiền mãn kinh. Điều này khiến cho nữ giới cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, tâm trạng cáu gắt… Nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của phụ nữ.
2. Thời kỳ mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh bắt đầu cũng là lúc chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng không còn nữa. Nó đi kèm với một số thay đổi về tâm sinh lý của cơ thể người phụ nữ. Giai đoạn mãn kinh thường rơi vào độ tuổi trung bình khoảng từ 45 – 55 tuổi. Việc mãn kinh sớm hay muộn hoàn toàn không liên quan đến thời điểm có kinh lần đầu tiên. Tuy nhiên, mãn kinh thường đến sớm hơn ở những phụ nữ làm phẫu thuật cắt hai buồng trứng (điều trị bệnh lý về buồng trứng). Ngoài ra, đối với phụ nữ có thói quen hút thuốc lá thì giai đoạn mãn kinh sẽ đến sớm hơn trung bình 1 năm so với những người không hút thuốc.
3. Những dấu hiệu của rối loạn tiền mãn kinh
Các triệu chứng báo hiệu sự bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ thường không giống nhau tùy mỗi người. Hầu hết nữ giới bước vào thời kỳ tiền mãn kinh đều gặp phải những vấn đề khó chịu. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc giảm sút nội tiết tố sinh dục nữ estrogen.
Những dấu hiệu của sự rối loạn tiền mãn kinh bao gồm cảm giác bất thường về kinh nguyệt; xuất hiện những cơn bốc hỏa (cảm thấy nóng bừng đột ngột, lan khắp vùng ngực). Triệu chứng đổ mồ hôi về đêm; chóng mặt; choáng ngất; cảm giác ngột ngạt khó thở; rối loạn nhịp tim; mất tập trung và suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, tính khí của chị em trở nên thất thường và hay gắt gỏng. Ngoài ra, các dấu hiệu thường gặp khác bao gồm khô da; giảm ham muốn tình dục; khô rát âm đạo; biểu hiện của loãng xương; đau nhức xương khớp và có nguy cơ gây ra các vấn đề về tim mạch.
3. Phụ nữ cần làm gì để khắc phục rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh?
Đối với người phụ nữ, tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy đến một cách hoàn toàn tự nhiên. Đôi khi chúng diễn ra rất bình thường mà không biểu hiện thành bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng cũng có khi, tiền mãn kinh xảy ra sớm và kéo dài, đem đến rất nhiều sự bất tiện, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe và công việc của chị em phụ nữ.
Sự suy giảm estrogen chính là thủ phạm hàng đầu gây ra những rắc rối kể trên.
Vì vậy, nếu muốn mọi việc quay trở về đúng “quỹ đạo”, tốt hơn hết là sử dụng liệu pháp thay thế hormon dưới sự cân nhắc của bác sĩ sản phụ khoa. Việc dùng hormon như thế nào là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Bên cạnh đó, phụ nữ khi đến tuổi mãn kinh nên chọn chế độ ăn uống chứa ít chất béo, ít cholesterol, giàu canxi (chẳng hạn như sữa, tôm, cua, trứng)… Các loại thực phẩm giàu omega-3, isoflavones và phytosterols (như cá, đậu tương) rất tốt cho phụ nữ mãn kinh. Bởi vì các chất này có công dụng tương tự như estrogen (cũng giống như bổ sung estrogen thiếu hụt cho cơ thể). Ngoài ra, phụ nữ nên hạn chế tối đa những món ăn, gia vị cay nóng để tránh gây ra cơn bốc hỏa. Sử dụng vitamin E hằng ngày cũng là biện pháp tốt cần được cân nhắc.
Song song với chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, tập aerobic… thì việc thăm khám sức khỏe ở giai đoạn này hết sức quan trọng. Bởi giai đoạn này, khi rối loạn nội tiết tố thay đổi cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ở độ tuổi trung niên. Theo đó nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể cải thiện những triệu chứng khó chịu, giúp chị em phụ nữ khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng quá nhiều khi nội tiết tố thay đổi.