Site icon BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI

Progestogen – Trợ thủ đắc lực cho mẹ trong phòng ngừa sinh non

Doctor giving injection to boy

Hiện theo các tài liệu báo cáo chung cả nước, tình trạng sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%. Mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ sơ sinh và khuyết tật về thần kinh ở trẻ em. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, progestogen có thể giúp phòng ngừa sinh non cho một số phụ nữ.

1. Những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non

   Sinh non xảy ra khi trẻ được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Khoảng 70% các ca sinh non xảy ra một cách tự nhiên, 30% các ca sinh non còn lại có thể do các quyết định y khoa và là kết quả của các  bệnh lý  trên người mẹ hoặc trên thai nhi (ví dụ: tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nhau thai tiền đạo…).

Sinh non là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong sơ sinh và các bệnh lý khác.

   Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật về thần kinh và tử vong cho trẻ sơ sinh. Những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non gồm: tiền sử sinh non trước đó, chảy máu âm đạo, mang đa thai, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, nhiễm trùng đường sinh dục,…Những khó chịu thường gặp trong quá trình mang thai như đau lưng nhưng không đau vùng chậu cũng có thể là dấu hiệu của một cơn co tử cung. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của sinh non là cực kỳ quan trọng.

2. Lợi ích của progestogen trong ngăn ngừa sinh non

   Progestogen là 1 trong 5 loại hormone steroid. Progestogen tự nhiên và tổng hợp. Progestogen chia thành 2 nhóm, nhóm ngoại sinh (progestin) và nhóm nội sinh (progesterone).

   Dược động học: progestogen gắn kết và kích hoạt các thụ thể progesterone. Hoạt động này giúp tử cung không hoạt động và ức chế quá trình chín của cổ tử cung. Từ đó ngăn ngừa được sinh non.

Progesterone là một hormone được cơ thể tạo ra, đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ

Progesterone là một hormone được cơ thể tạo ra, đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ. Trong giai đoạn đầu, progesterone giúp tử cung phát triển và giảm hiện tượng co bóp, giúp giảm nguy cơ sảy thai (vì nếu cơn co tử cung xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể dẫn tới sảy thai – tình trạng thai chết trong tử cung trước 20 tuần).

   Vào đầu thai kỳ, progesterone được sản xuất bởi hoàng thể để duy trì thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên cho đến khi có nhau thai. Ở giai đoạn sau, progesterone điều chỉnh các phản ứng miễn dịch bằng cách giảm sản xuất các cytokine tiền viêm và giãn cơ trơn, ngăn chặn hoạt động của oxytocin và ức chế sự hình thành của phản ứng kích hoạt co cơ trơn tử cung. Progesterone cũng ngăn cản quá trình tự hủy của tế bào màng bào thai.

3. Khuyến cáo sử dụng progestogen

   Progestogen được khuyến cáo để phòng ngừa sinh non tự phát PTB trong 2 nhóm phụ nữ: phụ nữ có tiền sử sinh non tự phát trước đó và phụ nữ có cổ tử cung ngắn (< 20mm) trong tam cá nguyệt giữa.

Tình trạng lâm sàngChỉ định bổ sungLưu ý
Đơn thai, tiền sử sinh non tự phát17OHPC 250 mg tiêm bắp mỗi tuần, bắt đầu từ 16-20 tuần cho đến 36 tuầnĐo chiều dài cổ tử cung từ tuần 18 Cân nhắc khâu eo CTC nếu chiều dài cổ tử cung ít hơn 25 mm
Đơn thai, không có tiền sử sinh non tự phát, cổ tử cung ngắn (< 20mm)Sử dụng progesterone đường âm đạo cho đến 36 tuầnCó thể dùng dạng gel hoặc viên đặt âm đạo
Đơn thai, tiền sử đa thai có sinh non tự phátCân nhắc17OHPC 250 mg tiêm bắp mỗi tuần, bắt đầu từ 16-20 tuần cho đến 36 tuầnĐo chiều dài cổ tử cung từ tuần 18
Đa thai, có tiền sử sinh non tự phátCân nhắc17OHP 250 mg tiêm bắp mỗi tuần, bắt đầu từ 16-20 tuần cho đến 36 tuần
Đa thai, không có tiền sử sinh non tự phát, chiều dài cổ tử cung bình thườngKhôngKhông sử dụng progesterone
Đa thai, không có tiền sử sinh non tự phát, cổ tử cung ngắnCân nhắcSử dụng progesterone đường âm đạo cho đến 36 tuầnCó thể dùng dạng gel hoặc viên đặt âm đạo
Thai non tháng hoặc chuyển dạ sớmKhôngKhông sử dụng progesterone 

4. Có 2 dạng sử dụng progesterone trong phòng ngừa sinh non là:

Có 2 dạng sử dụng progesterone trong phòng ngừa sinh non

Progesterone đặt âm đạo

Giảm nguy cơ sinh non trong trường hợp phụ nữ mang đơn thai và có cổ tử cung ngắn. Cổ tử cung ngắn nghĩa là chiều dài kênh cổ tử cung ngắn hơn bình thường (<20mm), dẫn đến hiện tượng cổ tử cung mở sớm hơn, trước khi thai nhi sẵn sàng chào đời. Bác sĩ có thể chỉ định sản phụ sử dụng progesterone đặt âm đạo gel, dạng viên đạn hay viên nang.

Ưu điểm của progesterone đặt âm đạo là khả dụng sinh học trên tử cung cao vì tác dụng lên tử cung trước khi chuyển hóa lần đầu ở gan. Tuy vậy, progesterone đặt âm đạo cũng có thể gây kích ứng âm đạo gây khó chịu, nhưng tác dụng phụ toàn thân ít hơn. Và do progesterone đặt âm đạo có thời gian bán thải khoảng 13 giờ nên thường được đặt mỗi ngày, liều dùng 90 mg – 400 mg;

Progesterone tiêm

Giảm nguy cơ sinh non trong trường hợp đơn thai có tiền sử sinh non, loại progesterone này có thành phần là 17 alpha-hydroxyprogesterone caproate (còn gọi là 17P). Bác sĩ thường chỉ định sử dụng progesterone tiêm cho thai phụ bắt đầu từ tuần 16 – 24 và cho đến tuần 36 của thai kỳ. Thuốc chích ngừa là Makena (một loại biệt dược) hoặc hợp chất pha trộn (sử dụng cho những trường hợp bị dị ứng với thành phần của Makena). Khi tiêm thuốc, thai phụ có thể có cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm.

Progestogen đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa sinh non tự phát ở 2 nhóm phụ nữ

Lưu ý: Điều trị bằng progestogen không áp dụng trong trường hợp mang đa thai mà chỉ áp dụng cho đơn thai.

Sinh non là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong chu sinh và các bệnh lý khác. Progestogen đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa sinh non tự phát ở 2 nhóm phụ nữ: phụ nữ có tiền sử sinh non, mang đơn thai và phụ nữ mang đơn thai có cổ tử cung ngắn. Khi dùng Progestogen để phòng ngừa sinh non, thai phụ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.

Nếu vẫn cảm thấy lo lắng và băn khoăn, bạn có thể liên hệ với Bệnh viện phụ sản Hà Nội qua hotline hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được thăm khám kỹ lưỡng hơn. 
Exit mobile version