Rối loạn chức năng sàn chậu ở nữ – Dấu hiệu và cách điều trị

11/01/2023

Rối loạn chức năng sàn chậu tuy được nghiên cứu chỉ ra rằng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây ra những tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh phải nắm được những triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu phổ biến.

1. Sàn chậu nữ là gì?

rối loạn
Mô tả cấu tạo sàn chậu nữ


– Vùng sàn chậu gồm tất cả các cấu trúc nằm bên trong khung xương chậu: từ khớp mu đến xương cụt, từ thành chậu bên này sang thành chậu bên kia và được hình thành từ nhiều khối cân, cơ đan xen nhau.
– Sàn chậu chứa 3 cơ quan:

Hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo),

Hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo)

Hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn).


– Nhiệm vụ của sàn chậu

Giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy.

Đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đại tiện và tiểu tiện theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn.

Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này nhường nhịn hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.

2. Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?


Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa sinh dục.

Rối loạn chức năng sàn chậu là sự mất khả năng giữ các hệ thống cơ quan bên trong ở vị trí ban đầu do các cơ hay dây chằng bị lão hóa do các nguyên nhân như tuổi tác hay ảnh hưởng từ quá trình mang thai của phụ nữ.

Các rối loạn chức năng sàn chậu chủ yếu ảnh hưởng đến đường tiểu, đường tiêu hóa, đường sinh dục, rối loạn sinh dục hoặc đau vùng chậu mãn tính.

Những biểu hiện của rối loạn chức năng sàn chậu

2.1. Đường tiểu


– Tiểu không kiểm soát khi gắng sức: són tiểu khi cười, ho, hắt hơi, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng.
– Tiểu gấp: không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu.
– Tiểu đêm > 1 lần.
– Tiểu nhiều lần: khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu < 1 giờ hoặc tiểu > 8 lần /ngày.
– Tiểu không kiểm soát liên tục: nước tiểu rỉ rả liên tục cả ngày.
– Tiểu khó phải rặn.
– Cảm giác đi tiểu không hết.

2.2. Đường tiêu hóa

– Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy.
– Không giữ được theo ý muốn khi buồn trung tiện hoặc đại tiện.
– Táo bón kéo dài, đại tiện khó phải dùng thuốc thụt hậu môn hoặc thuốc uống.

2.3. Đường sinh dục (sa sinh dục)


– Sa tử cung, sa mỏm cắt âm đạo (ở những phụ nữ đã cắt tử cung).
– Sa bàng quang.
– Sa trực tràng, ruột.

2.4. Rối loạn tình dục


– Giao hợp đau.
– Giảm cảm giác.
– Cảm giác cửa mình rộng.


2.5. Đau vùng chậu mãn tính


– Đau vùng thắt lưng chậu.
– Đau vùng bụng dưới, vùng âm hộ


3. Những phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu

rối loạn
Những phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu


– Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ.
– Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
– Áp lực ổ bụng tăng mãn tính: béo phì, ho mãn tính, táo bón mãn tính, nâng vật nặng lặp đi lặp lại.
Tất cả phụ nữ có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các tạng vùng chậu cần được tư vấn và điều trị.

Không phải ai cũng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu. Sau đây là nhóm đối tượng có nguy cơ rối loạn chức năng sàn chậu cao nhất:

  • Phụ nữ có cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi tác hoặc số lần mang thai
  • Phụ nữ tuổi mãn kinh với tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ cũng là nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
  • Phụ nữ béo phì, ho mãn tính hay táo bón mãn tính gây các áp lực lên ổ bụng lâu dài
  • Phụ nữ làm công việc bê vác nặng nhọc lâu ngày.

4. Làm thế nào để điều trị các rối loạn chức năng sàn chậu?

Rối loạn chức năng sàn chậu mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những ảnh hưởng của nó làm giảm chất lượng cuộc sống và gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Để điều trị căn bệnh này, bác sĩ thường đưa ra những lời khuyên như sau:

  • Người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn uống lành mạnh, nên ăn nhiều rau củ quả, giảm thiểu tối đa đồ ăn dầu mỡ, không nên ăn mặn và uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Bạn cũng nên có một chế độ tập luyện thể thao hợp lý, tốt nhất nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát được cân nặng hợp lý.
  • Tập luyện cơ chậu theo một số bài tập có sẵn theo hướng dẫn
  • Sử dụng các thuốc điều trị nhiễm trùng tại chỗ khi bị viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo
  • Các trường hợp sa tạng chậu hoặc són tiểu có thể sử dụng vòng nâng Pessary.
  • Nếu sử dụng các phương pháp trên không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện phẫu thuật để điều trị rối loạn chức năng sàn chậu.

5. Năm bài tập ngăn ngừa rối loạn chức năng sàn chậu hiệu quả nhất

Việc tập luyện cơ sàn chậu đã được chứng minh là phương pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu. Do đó, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo phụ nữ nên duy trì các bài tập sàn chậu dưới đây để giúp cơ sàn chậu được khỏe mạnh hơn: 

rối loạn
Bài tập ngăn ngừa rối loạn chức năng sàn chậu hiệu quả

1. Bài tập Kegel

Bài tập Kegel là một trong những bài tập giúp co và thư giãn tốt cho vùng cơ sàn chậu. Có thể phòng tránh tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu hiệu quả. Đặc biệt, đây là bài tập cải thiện hiệu quả các triệu chứng són tiểu không tự chủ khi cười, ho, hắt hơi hoặc chạy nhảy.

Hướng dẫn cách tập luyện:

  • Xác định chính xác vị trí vùng cơ sàn chậu nằm ở đâu bằng cách ngưng tiểu giữa dòng.  
  • Tư thế tập luyện: Ngồi quỳ trên sàn, mông đặt lên hai gót chân, giữ thẳng lưng.
  • Hít sâu để co các cơ sàn chậu lại trong 5 giây, sau đó thở ra để thả lỏng các cơ sàn chậu trong 5 giây. Tiếp tục lặp lại động tác.
  • Thực hiện bài tập mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10 động tác.

Đối với mẹ bầu việc thực hiện bài tập Kegel nên được thực hiện ở tháng thứ 4 ở thai kỳ.

2. Bài tập Squat

Squat là bài tập cần sự tham gia của nhiều cơ lớn trong cơ thể. Đây cũng là một trong những bài tập giúp cải thiện sức mạnh của cơ thể.

Dụng cụ hỗ trợ tập luyện: Tạ đòn (có thể có hoặc không). 

Hướng dẫn cách tập luyện:

  • Đứng thẳng, chân dang rộng hơn vai, ngón chân tách theo hướng chỉ ra bên ngoài. Hơi khuỵu đầu gối, đẩy phần hông và mông ra phía sau giống như bạn đang ngồi trên ghế. Giữ đầu và cằm hướng thẳng, không hướng lên cũng không cúi xuống.
  • Từ từ hạ thấp người cho đến khi đùi song song với mặt đất, dồn sức nặng cơ thể tập trung ở gót chân, đầu gối hướng phía trước.
  • Đứng thẳng người, trở về tư thế ban đầu.
  • Thực hiện mỗi ngày, lặp lại động tác 15 lần.

3. Bài tập Bridge 

Bridge còn gọi là bài tập cây cầu, là bài tập rất tốt cho cơ mông và khớp hông, giúp săn chắc cơ và linh hoạt khớp. Nếu tập luyện đúng cách và duy trì, bài tập này còn giúp kích hoạt chức năng cơ sàn chậu.

Hướng dẫn cách tập luyện:

  • Nằm thẳng trên sàn sao cho cột sống sát với sàn, chân co theo hướng 90 độ, bàn chân đặt trên sàn. Hai tay để duỗi thẳng và đặt bên hông, lòng bàn tay úp xuống mặt sàn.
  • Hít vào, dồn lực đặt vào hai gót chân. Đẩy hông lên cao bằng cách siết chặt cơ mông, cơ đùi sau và cơ sàn chậu. Lực toàn bộ cơ thể dồn vào lưng và vai. Lưng trên, vai và đầu gối tạo thành một đường thẳng.
  • Giữ tư thế này trong 1 – 2 giây, thở ra, sau đó về tư thế ban đầu.
  • Thực hiện bài tập 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 – 15 động tác.

Nếu muốn bài tập cơ sàn chậu Bridge đạt hiệu quả tốt hơn bạn có thể tập cùng một quả bóng thăng bằng. Ở tư thế ban đầu, thay vì để chân chống xuống sàn thì có thể đặt chân lên quả bóng, lưng thẳng dưới sàn, tiếp tục các bước tiếp theo như trên.

4. Bài tập Split Tabletop

Tabletop là một trong những động tác chân có thể kích hoạt cơ hông và cơ sàn chậu ở phụ nữ. Là một bài tập hiệu quả có thể chữa tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu.

Dụng cụ hỗ trợ tập luyện: Thảm tập.

Hướng dẫn cách tập luyện:

  • Nằm thẳng trên thảm tập, chân co lên đùi vuông góc với sàn, cẳng chân song song với sàn. Hai tay duỗi thẳng để cạnh hông, lòng bàn tay úp xuống.
  • Siết chặt vùng cơ bụng để dồn lực vào cơ đùi, giữ hai chân chạm vào nhau.
  • Dùng lực cơ đùi từ từ tách hai chân đến vị trí cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, không để chân thả lỏng và tách nhau xa. 
  • Từ từ khép chân về vị trí ban đầu.
  • Thực hiện bài tập 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 – 15 động tác.

5. Bài tập Bird Dog

Bird Dog là bài tập toàn thân giúp nhiều cơ quan trong cơ thể cùng vận động một lúc, trong đó có cơ sàn chậu.

Hướng dẫn cách tập luyện:

  • Quỳ chống tay trên sàn, giữ lưng thẳng, đầu ngang vai, không đưa cao hoặc cúi thấp.
  • Siết chặt cơ bụng, rút xương bả vai xuống dưới lưng về phía hông.
  • Từ từ duỗi thẳng chân trái, song song đó nâng cánh tay phải. Lưu ý vẫn giữ nguyên đầu, không ngẩng lên cũng không cúi xuống và giữ xương chậu, vai ở cùng một đường thẳng.
  • Sau đó hạ chân, gập cánh tay xuống về vị trí ban đầu. Tiến hành đổi bên, duỗi thẳng chân phải, nâng cánh tay trái.
  • Thực hiện bài tập 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 động tác.

Những lưu ý khi thực hiện bài tập

Không nôn nóng và tập luyện quá sức

Nếu bạn chưa từng tập luyện trước đây thì đừng nôn nóng dồn sức tập luyện, nhất là giai đoạn sau sinh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ sau sinh cần thăm khám hậu sản để xác định cơ thể đã hồi phục hoàn toàn hay chưa, cũng như được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn các bài tập phù hợp.

Cơ thể phụ nữ sau sinh cần ít nhất 6 tháng để trở về bình thường như trước khi mang thai và sinh nở, các vị trí khớp và dây chằng cũng cần 3 – 5 tháng để hồi phục, do đó bạn cần kiên nhẫn tập các bài tập nhẹ nhàng trước rồi mới tăng dần cường độ.

Bảo vệ ngực trong khi tập luyện

Mặc dù các nghiên cứu chứng minh việc tập thể dục không ảnh hưởng đến chất lượng sữa của mẹ bầu sau sinh, tuy nhiên cần hạn chế tối đa các tổn thương lên ngực trong quá trình tập luyện. Khuyến cáo bạn nên mang áo ngực thể thao khi tập luyện để bảo vệ ngực tốt nhất.

Ngưng tập ngay khi có những dấu hiệu bất thường

Nếu các bài tập vùng sàn chậu không giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn, mà ngược lại gây ra tình trạng đau đớn, kiệt sức… bạn cần ngưng tập và đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.

Một số biểu hiện báo hiệu sự bất thường bạn cần lưu ý gồm:

  • Cảm thấy đau đầu, choáng váng, chóng mặt;
  • Cảm thấy đau, tức vùng ngực;
  • Nhịp tim đập nhanh;
  • Cảm thấy đau nhức, gặp khó khăn trong việc đi lại;
  • Đau cơ bụng, đau lưng.
Không tập luyện khi ăn kiêng quá sớm sau sinh

Việc áp dụng chế độ ăn kiêng quá sớm ngay sau khi sinh, nhất là trong giai đoạn đang cho con bú đã bắt đầu tập luyện có thể khiến bạn kiệt sức, thậm chí làm giảm chất lượng sữa cho bé hoặc nguy hiểm hơn là nguy cơ mất sữa.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là sự lựa chọn hàng đầu được các chị em tin tưởng với các vấn đề liên quan đến phụ khoa. Bạn có thể nhấn vào nút đặt khám để đặt khám ngay hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được các y bác sĩ tư vấn kĩ lưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN