Site icon BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI

Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân và triệu chứng

09/01/2023

Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng phổ biến ở chị em phụ nữ, xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt, nếu tình trạng kéo dài còn mang tới nhiều rủi ro cho sức khỏe. Hiểu được nguyên nhân, nắm bắt biểu hiện để thăm khám kịp thời sẽ giúp chị em phòng tránh được nhiều căn bệnh phức tạp sau này.

Kinh nguyệt là gì?

Khi đến tuổi đậy  thì, buồng trứng bắt đầu hoạt động, bài tiết hormon, tác động vào lớp lót bên trong niêm mạc tử cung (gọi là nội mạc). Sự biến đổi nội tiết này làm đứt mạch máu nơi đây khiến nội mạc tử cung không được nuôi dưỡng. Đồng thời trứng chín và không được thụ tinh sẽ rụng xuống. Cơn co tử cung sẽ khiến nội mạc bong tróc và máu chảy ra ngoài lẫn những mảnh nội mạc ra ngoài gọi là kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt

Chu kì kinh nguyệt bình thường:

– Một chu kì kinh nguyệt bình thường có vòng kinh kéo dài 28+/- 7 ngày. Tùy vào cơ địa từng người mà có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Chu kì kinh nguyệt thường được tính từ ngày đầu tiên hành kinh cho tới ngày bắt đầu có kinh lần sau.

– Thời gian hành kinh: Lượng máu kinh: 40 – 100 ml. Đặc điểm máu kinh: ngày đầu và ngày cuối ra ít, những ngày giữa ra nhiều. Mỗi lần ra kinh khoảng 3 đến 7 ngày.

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: 

Là khi kinh nguyệt bất thường nhiều tình trạng kinh thưa, kinh mau, rong kinh.

Cơ chế của kinh nguyệt

Cơ chế của kinh nguyệt dựa vào hoạt động của trục: hạ đồi- tuyến yên- buồng trứng.

– Hoạt động của hệ trục này đã tác động lên cơ tử cung- là cơ quan đích của hiện tượng kinh nguyệt. Hormon Gn- RH là hormon được giải phóng từ vùng dưới đồi tuyến yên tác động lên thùy trước của tuyến yên kích thích sản sinh ra FSH va LH.

– FSH kích thích nang noãn phát triển và trưởng thành, cùng với sự tăng cao của LH làm nang noãn chín và xảy ra hiện tượng rụng trứng (phóng noãn).

– Sau khi phóng noãn, hoàng thể (được hình thành tại nơi nang noãn vỡ) tiết ra hormon estrogen và progesteron làm dày niêm mạc tử cung, tăng sinh các ống, tuyến và chế tiết chất nhầy. Sau khoảng 14 ngày từ khi phóng noãn, lượng hormon estrogen và progesteron giảm đột ngột làm bong niêm mạc tử cung gây ra hiện tượng kinh nguyệt.

Đặc điểm và tính chất của kinh nguyệt

Kinh nguyệt là phản ánh tình hình hoạt động nội tiết của trục vùng hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng và tình trạng của niêm mạc tử cung, là thước đo quá trình diễn biến hoạt động sinh dục của người phụ nữ.

– Màu sắc: 

Trong những vòng kinh không phóng noãn, niêm mạc tử cung chỉ chịu tác dụng của estrogen, sẽ không có các xoang nối tiếp động – tĩnh mạch mà chỉ vỡ các tiểu động mạch xoắn ốc nên máu kinh là máu động mạch, có màu đỏ tươi.

– Mùi: 

Máu kinh có mùi hơi nồng, không tanh như máu chảy do nguyên nhân khác.

– Lượng máu ra mỗi chu kỳ: 

Lượng máu mất trong mỗi kỳ kinh thay đổi theo tuổi. Ở lứa tuổi 50, lượng máu kinh nhiều hơn so với tuổi 15. Nói chung, lượng máu kinh bình thường vào quãng 60 – 80 ml.

– Chu kỳ kinh có thể thay đổi :

Thường có thể thay đổi giữa người này, người khác, nhưng ít thay đổi ở cùng một người ở trong tuổi hoạt động sinh dục.

– Sự đông máu chu kỳ: 

Thông thường máu đông trong âm đạo chỉ là những tích tụ hồng cầu trong âm đạo chứ không chứa sinh sợi huyết. Có hiện tượng tiêu sợi huyết và tiêu Protein mạnh trong buồng tử cung. Những sản phẩm giáng hoá của sinh sợi huyết và sợi huyết cũng là những nhân tố chống đông máu rất có hiệu quả.
 

– Thể hiện giai đoạn của mỗi người ở các thời kỳ khác nhau: 

Thời kỳ niên thiếu, tuổi dậy thì, thời kỳ hoạt động sinh sản, thời kỳ mãn kinh.

Nguyên nhân bệnh Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng phổ biến ở chị em phụ nữ

1. Rong kinh – rong huyết

Nguyên nhân dẫn đến rong kinh và rong huyết là do:

+ Hoạt động nội tiết trong cơ thể bị rối loạn, vùng dưới đồi ức chế sản sinh Gn-RH khiến tuyến yên không giải phóng đủ hormon FSH và LH.

+ Tình trạng hợp tử làm tổ ngoài tử cung.

+ Sau khi đẻ, một số người bị viêm niêm mạc tử cung.

+ Mắc phải u xơ tử cung, polyp buồng tử cung.

+ Các bệnh liên quan đến  rối loạn đông máu.

+ Tinh thần căng thẳng, chịu nhiều stress áp lực lớn từ công việc.

2. Vô kinh

+ Nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát là: rối loạn nhiễm sắc thể gây ra bất thường ở buồng trứng; vùng dưới đồi – tuyến yên có vấn đề; cơ quan sinh dục bị dị dạng; tổn thương ở buồng trứng, thượng thận – sinh dục; tinh hoàn nữ tính hóa.

+ Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát bao gồm: vùng dưới đồi bị ảnh hưởng; tuyến yên suy yếu, xuất hiện khối u. Ngoài ra, bệnh còn do một số nguyên nhân như:

Triệu chứng bệnh Rối loạn kinh nguyệt

1. Rong kinh – rong huyết

Rong kinh là tình trạng máu kinh từ tử cung chảy ra nhiều và kéo dài trên 7 ngày. Trong khi đó, rong huyết là tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài trên 7 ngày. Đây đều là các hiện tượng rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh. Chỉ khác nhau ở điểm, rong kinh xảy ra theo chu kỳ nhất định còn rong huyết thì không.

– Triệu chứng:

Khi bị rong kinh – rong huyết, máu tươi sẽ chảy ra nhiều trong ngày. Đây là triệu chứng xuất hiện phổ biến sau một vòng kinh. Khi cơ thể mất nhiều máu sẽ dẫn đến những biểu hiện toàn thân như: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt.

– Phân loại:

Dựa vào thời điểm xuất hiện, rong kinh – rong huyết được chia thành các loại như:

+ Rong kinh – rong huyết tuổi trẻ: thường xảy ra vào độ tuổi dậy thì với những biểu hiện như: máu tươi chảy ra nhiều, kéo dài và có tính lặp lại.

+ Rong kinh – rong huyết tiền mãn kinh: là tình trạng rong kinh chảy máu kéo dài, về sau máu không chảy theo cơ chế kinh nguyệt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do ác tính hoặc niêm mạc tử cung bị tổn thương (viêm). Thông qua phương pháp nạo niêm mạc tử cung, có thể chẩn đoán chính xác được nguyên nhân, đồng thời cầm máu và chấm dứt tình trạng chảy máu kéo dài. Nếu nguyên nhân gây bệnh không phải là ác tính thì có thể tiến hành điều trị triệu chứng và định hướng sử dụng hormon.

+ Rong kinh – rong huyết lúc sinh đẻ:

Thường xảy ra ở nhóm người có độ tuổi từ 18 – 45. Nếu tử cung gặp phải các tổn thương như: u xơ tử cung, polyp buồng trứng, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung,… thì người phụ nữ sẽ mắc phải bệnh này. Với các biểu hiện giống cường kinh như: máu chảy ra nhiều hơn so với bình thường, người bệnh bị tụt huyết áp, mạch đập nhanh. Trong trường hợp lượng máu mất vượt quá 200ml/ ngày thì được gọi là băng kinh.

+ Rong kinh do chảy máu trước kinh:

Là tình trạng tử cung chảy ra một lượng máu trước khi xuất hiện kinh nguyệt chính thức. Tình trạng này diễn ra trong vài ngày khiến vòng kinh kéo dài hơn bình thường. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những tổn thương như: niêm mạc tử cung bị viêm, polyp buồng tử cung,…

+ Rong kinh do chảy máu sau kinh:

Là tình trạng chảy ra ít máu sau khi kỳ kinh đã kết thúc 1 – 2 ngày. Nguyên nhân có thể do: viêm niêm mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, niêm mạc tử cung bong chậm hoặc tái tạo chậm.

+ Rong kinh do quá sản nội mạc tử cung:

Là tình trạng kinh chậm, ra huyết nhiều và kéo dài. Nguyên nhân là do cường estrogen và kéo dài. Phương pháp điều trị bệnh hữu hiệu là nạo niêm mạc tử cung, đồng thời loại trừ các nguyên nhân thực thể như: chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, bệnh lý rối loạn đông máu,… Sau đó tiến hành điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

2. Vô kinh

Vô kinh là hiện tượng người phụ nữ không xuất hiện kinh nguyệt trong một khoảng thời gian. 

– Phân loại: Vô kinh gồm 2 loại:

+ Vô kinh nguyên phát: là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt sau 18 tuổi.

+ Vô kinh thứ phát: là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt sau 3 – 6 tháng đối với chu kỳ kinh đều hoặc không đều.

3. Thống kinh

Thống kinh là tình trạng xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng khi hành kinh. Cơn đau có thể lan xuyên ra cột sống, lan xuống vùng  đùi hoặc lan ra toàn bộ vùng bụng. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, căng vú, buồn nôn,…

Thống kinh có thể phân thành hai loại là: nguyên phát và thứ phát.

– Thống kinh nguyên phát thường xảy ra sau tuổi dậy thì, chủ yếu do các nguyên nhân cơ năng.

– Thống kinh thứ phát là tình trạng xảy ra sau nhiều năm xuất hiện hành kinh bình thường. Đến nay mới chỉ xuất hiện triệu chứng đau vùng bụng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là tổn thương thực thể: viêm dính tử cung, tử cung đổ sau, chít hẹp lỗ cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u xơ ở eo tử cung, polyp cổ tử cung, u ở lỗ cổ tử cung,…

Phòng ngừa bệnh Rối loạn kinh nguyệt

Duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt

Để phòng ngừa các rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ nên duy trì lối sống lành mạnh và hình thành các thói quen tốt như:

– Tập luyện thể dục đều đặn, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý.

– Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích khác.

– Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.

– Áp dụng các liệu pháp giúp thư giãn cơ thể và giảm bớt căng thẳng, stress.

– Khi sử dụng thuốc nội tiết hormon, thuốc tránh thai,… cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên dùng quá thời gian cho phép.

– Vệ sinh sạch sẽ trong những ngày hành kinh, sau khoảng 4 – 5 tiếng nên thay băng mới, hạn chế quan hệ để tránh bị nhiễm trùng.

– Kiểm tra sức khỏe, thăm khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường

Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn kinh nguyệt

1. Rong kinh – rong huyết

Đối với rong kinh – rong huyết do rối loạn nội tiết thì:

 + Điều trị tích cực gồm:

– Nạo buồng là phương pháp cầm máu tốt nhất.

– Sử dụng hormon nội tiết.

– Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc co tử cung (Oxytocin, Ergometrin), thuốc cầm máu (Transamin),… theo chỉ định.

– Trong trường hợp thiếu máu quá nhiều (Hb<65g/l) thì cần phải truyền máu gấp.

+ Điều trị dự phòng: người bệnh nên sử dụng các vòng kinh nhân tạo như thuốc tránh thai kết hợp, Cyclo-progynova 2mg,…

2. Vô kinh

Điều trị: Trước khi điều trị cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời loại bỏ các nguyên nhân thực thể. Sau đó, để làm xuất hiện kinh nguyệt thì tiến hành sử dụng các hormon nội tiết như: Progestin, Estrogen,…

3. Thống kinh

– Thống kinh thứ phát: Điều trị thống kinh thứ phát cần dựa vào nguyên nhân đã xác định từ trước.

– Thống kinh cơ năng: Người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau hoặc điều trị bằng hormon như: Progestin.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là sự lựa chọn hàng đầu được các chị em tin tưởng với các vấn đề liên quan đến phụ khoa. Bạn có thể nhấn vào nút đặt lịch khám để đặt khám ngay hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được các y bác sĩ tư vấn kĩ lưỡng.

Exit mobile version