Tìm hiểu toàn bộ về ung thư vú

Theo thống kê của Globocan, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú hiện nay. Cụ thể tỷ lệ mắc mới là 15229 ca và tỷ lệ tử cong là 6103 ca. Những con số thực tế trên khiến chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về cách phòng, tầm soát, sàng lọc và điều trị ung thư vú hiệu quả nhất. Cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tìm hiểu toàn bộ về căn bệnh nguy hiểm này ngay sau đây.

Việt Nam đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú hiện nay.

1. Ung thư vú là gì?

Bầu vú gồm có các tiểu thùy (tuyến tạo sữa), các tiểu quản (ống cực nhỏ dẫn sữa tới núm vú) và mô mỡ.

Ung thư có thể bắt đầu tại bất cứ chỗ nào trong cơ thể. Ung thư bắt đầu ở vú được gọi là ung thư vú. Ung thư vú bắt đầu khi một nhóm tế bào tuyến vú tăng trưởng vượt ngoài tầm kiểm soát, cứ tiếp tục nhân lên và lấn át tế bào bình thường. Tế bào ung thư sau đó lan rộng tới những bộ phận khác của cơ thể, gọi là di căn.

Đa số các trường hợp ung thư vú đều bắt đầu trong các tế bào niêm lót tiểu quản, gọi là ung thư tiểu quản. Những trường hợp khác ung thư bắt đầu tại tế bào niêm lót tiểu thùy hay từ những mô khác ở vú.

2. Nguyên nhân ung thư vú

Nguyên nhân gây bệnhcó thể là sự tương tác giữa gen và môi trường sống.

Nguyên nhân gây ra ung thư vú có thể là sự tương tác giữa gen và môi trường sống.

2.1 Ung thư vú di truyền

Khoảng 5 – 10% bệnh có liên quan đến những đột biến gen được di truyền từ các thế hệ trước trong gia đình. Gen được biết đến nhiều nhất là BRCA1 và BRCA2, cả hai gen này đều làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Vì vậy, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn di truyền và làm xét nghiệm máu phát hiện gen BRCA khi gia đình có người thân bị ung thư vú hoặc các loại ung thư khác.

2.2 Yếu tố nguy cơ

  • Giới nữ
  • Lớn tuổi
  • Đã từng bị u thùy vú tại chỗ hoặc tăng sinh phì đại tuyến vú không đặc hiệu
  • Tiền sử gia đình có người thân (mẹ, chị hoặc em gái) mắc bệnh
  • Có đột biến gen BRCA1 và BRCA2
  • Phơi nhiễm phóng xạ
  • Béo phì
  • Có kinh nguyệt trước năm 12 tuổi
  • Sinh con đầu lòng sau 30 tuổi
  • Chưa mang thai
  • Sử dụng liệu pháp nội tiết tố sau mãn kinh
  • Uống thức uống có cồn

3. Triệu chứng bệnh ung thư vú

Biểu hiện phổ biến nhất là xuất hiện các cục u. Cục u có thể cứng hoặc mềm, đau hay không đau. Vì vậy, nếu có bất kỳ cục u vú nào, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Đau bầu vú hoặc núm vú

Những dấu hiệu khác cũng có thể là biểu hiện của ung thư vú:

  • Sưng phù toàn bộ hoặc một phần vú
  • Thay đổi ở núm vú hoặc da vùng vú, ví dụ như đau rát, có chỗ lõm, ửng đỏ, đóng vảy hoặc dày hơn
  • Đau bầu vú hoặc núm vú
  • Núm vú thụt vào trong
  • Có dịch tiết không phải là sữa
  • Sưng phù hoặc có cục u tại các hạch bạch huyết ở nách

4. Phòng ngừa ung thư vú

4.1 Phòng ngừa cho phụ nữ có nguy cơ trung bình

  • Thường xuyên tự khám vú
  • Đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú: khám vú, chụp nhũ ảnh
  • Hạn chế uống thức uống có cồn
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Hạn chế sử dụng liệu pháp nội tiết tố sau mãn kinh
  • Duy trì cân nặng ổn định, không quá thừa cân cũng không quá gầy
  • Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh

4.2 Phòng ngừa cho phụ nữ có nguy cơ cao

  • Phòng ngừa bằng thuốc: dùng các thuốc ức chế nội tiết tố estrogen hay ức chế tổng hợp estrogen giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Phòng ngừa bằng phẫu thuật: cắt bỏ tuyến vú 2 bên, có thể kèm cắt bỏ buồng trứng 2 bên để giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

  • Khám vú: để tìm những thay đổi ở núm vú hoặc da vùng vú, đồng thời kiểm tra hạch bạch huyết dưới nách và trên xương đòn để biết mức độ lan rộng của ung thư.
  • Siêu âm vú
  • Chụp nhũ ảnh (mamography)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú
  • Xét nghiệm dịch tiết từ núm vú
  • Sinh thiết vú
  • Việc lựa chọn phương pháp chẩn đoán nào tùy theo nhận định của bác sĩ về tình trạng bệnh của mỗi người
Khám vú để tìm những thay đổi ở núm vú hoặc da vùng vú

6. Các biện pháp điều trị bệnh

6.1 Trị liệu tại chỗ: phẫu thuật và chiếu xạ

  • Phẫu thuật: gồm cắt bỏ u vú, cắt bỏ vú avà cắt bỏ hạch bạch huyết ở nách.
  • Xạ trị: giúp tiêu diệt bất cứ tế bào ung thư nào còn sót trong vú, tại thành ngực hoặc ở vùng nách sau khi phẫu thuật.

Có 2 cách chiếu xạ: chiếu xạ bằng chùm tia ngoài (chiếu xạ vào vú từ máy móc đặt bên ngoài cơ thể) và liệu pháp cận phóng xạ (các hạt phóng xạ được đặt vào mô vú ở cạnh vùng ung thư).

6.2 Trị liệu toàn thân: hóa học trị liệu (dùng thuốc để chống lại ung thư) và liệu pháp nội tiết tố

Hóa trị

  • Thuốc đi vào cơ thể theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc uống dưới dạng viên, sau đó thuốc đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể.
  • Quá trình điều trị thường kéo dài nhiều tháng, và được thực hiện theo chu trình, giữa mỗi chu trình là thời gian tạm nghỉ vài tuần lễ.
  • Người bệnh có thể gặp các phản ứng phụ của hóa trị như mệt mỏi, rụng tóc, khó chịu ở bao tử, … Tuy nhiên, những vấn đề rắc rối này sẽ mất đi sau khi kết thúc chữa trị.

Liệu pháp nội tiết tố

  • Estrogen là nội tiết tố nữ do cơ thể tạo ra. Trong một vài trường hợp, estrogen làm cho bệnh tăng trưởng mạnh hơn. Vì vậy, ngăn chặn ảnh hưởng của estrogen hay hạ thấp mức estrogen cũng là cách điều trị một số dạng ung thư vú.
  • Tamoxifen là loại thuốc ngăn chặn estrogen thường dùng nhất, được uống hàng ngày dưới dạng viên.

6.3 Các phương pháp khác: tế bào gốc, vitamin, thảo dược, chế độ ăn uống đặc biệt, …

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào.

Trong các phương pháp này, có phương pháp rất hữu ích, nhưng nhiều phương pháp khác vẫn chưa được thử nghiệm, dẫn đến không phát huy hiệu quả, hay thậm chí còn gây hại thêm. Vì vậy, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào.

6.4 Ung thư vú có chữa được không?

Có nhiều phương pháp chưa ung thư vú
  • Hiện nay, như đã nói trên, có nhiều phương pháp để chữa trị ung thư vú, tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào và việc điều trị có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào tuổi, giai đoạn ung thư, bệnh nền đi kèm, khả năng chịu đựng phản ứng phụ xuất hiện khi điều trị của từng bệnh nhân.
  • Bên cạnh đó, sau quá trình trị liệu, người bệnh cần đến tái khám đúng theo lịch hẹn, vì ung thư vú có thể tái phát. Mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám bệnh, xét nghiệm máu hay các xét nghiệm khác để biết tình trạng ung thư có tái phát hay không. Lúc đầu các lần khám sẽ cách khoảng mỗi 3 đến 6 tháng. Sau đó, thời gian giữa các lần tái khám sẽ dài ra dần, và sau 5 năm người bệnh có thể chỉ phải đến khám mỗi năm một lần. Người bệnh cần được theo dõi liên tục nhiều năm sau khi kết thúc điều trị.
  • Nếu người bệnh đang dùng Tamoxifen cần đi khám vùng chậu hàng năm, vì thuốc này làm tăng nguy cơ bị ung thư tử cung.
  • Ngoài ra, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh và khám/tái khám định kỳ.
Bạn có thể liên hệ với Bệnh viện phụ sản Hà Nội qua hotline hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được thăm khám kỹ lưỡng hơn. 

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN