Có rất nhiều bà bầu vẫn không biết mình nên ngủ theo tư thế nào hay nằm nghiêng bên nào để mẹ khoẻ, bé phát triển tốt. Cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tìm hiểu về tư thế ngủ tốt cho bà bầu trong bài viết dưới đây.

1. Những tư thế ngủ tốt cho bà bầu:
Khi thai lớn, xu hướng thai nhi sẽ xoay và chọn vị trí thuận nhất trong tử cung để nằm. Tư thế thông thường nhất của thai là đầu ở trên xương vệ và mông thai nhi ở đáy tử cung bên phải. Vậy bà bầu nên nằm nghiêng bên nào thì tốt nhất ?
Mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái vì những lý do sau:
- Nằm nghiêng trái giúp trọng lượng thai nhi đổ về một bên thay vì phía sau trong tư thế nằm ngửa. Nằm ngửa khiến tĩnh mạch chủ dưới của thai nhi bị chèn ép; cản trở máu chảy về tim; dẫn đến việc lưu thông máu và oxy bị hạn chế. Ở tư thế nghiêng trái, mẹ bầu nên đặt một cái gối ôm mềm dài ngay dưới bụng để đỡ bụng và một gối gác chân.
- Nằm nghiêng bên trái cũng khiến cho việc tiêu hoá thức ăn được dễ dàng hơn; ngăn ngừa tình trạng ứ đọng đồ ăn trong dạ dày, gây ợ chua hay trào ngược dạ dày.
- Nếu nằm lâu ở một tư thế nghiêng trái, mẹ có thể bị mỏi. Tư thế thay thế là quay sang phải nhưng không nên nằm ngửa.

2. Những tư thế ngủ bà bầu nên tránh
- Nằm ngửa: Ở tư thế này, tử cung sẽ đè vào tĩnh mạch chủ dưới, gây ứ trệ tuần hoàn, cản trở máu về tim, từ đó hạn chế lượng máu từ tim bơm ra và hậu quả là huyết áp tụt giảm. Các triệu chứng hay gặp là chóng mặt, mệt, tim đập nhanh hồi hộp, khó thở, mặt nhợt nhạt, đổ mồ hôi lạnh. Nằm ngửa cũng khiến bầu to đẩy dạ dày, cơ hoành lên cao, khiến sản phụ khó thở.
- Nằm sấp: Khi nằm sấp trọng lượng cơ thể của mẹ sẽ đè lên tử cung và thai nhi. Gây áp lực lên ổ bụng, tử cung, tuần hoàn nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi.

3. Mẹo giúp bà bầu có giấc ngủ ngon
Do trong thai kỳ cơ thể mẹ sẽ có nhiều thay đổi dễ dẫn đến tình trạng mẹ bầu mất ngủ, buồn bực. Để có một giấc ngủ ngon, mẹ bầu có thể thử các mẹo sau:
- Tích cực tâm sự giải tỏa căng thẳng với chồng hay người thân trong gia đình về công việc, những khó khăn về thai nghén…
- Ăn ngủ đúng giờ: Nên ăn tối trước 19 giờ hay trước khi đi ngủ tối thiểu 3 giờ. Không ăn đêm quá trễ quá vì sẽ làm hệ tiêu hoá ì ạch, đồ ăn ứ đọng, không tiêu hoá được. Có thể uống uống sữa trước khi ngủ 30-60 phút để tranh đói về đêm.
- Vận động nhe nhàng trong ngày: Các bài tập yoga dành cho bà bầu, đi bộ 30 phút nhẹ nhàng, bơi lội…đều giúp mẹ có giấc ngủ ngon.
- Tắm nước ấm sẽ khiến cơ thể mẹ bầu sạch sẽ, dễ chịu. Kết hợp massage chân, massage toàn thân giúp giảm triệu chứng mệt mỏi.
- Đọc sách giấy cũng giúp mẹ giảm căng thắng và thư giãn. Bạn cũng có thể dành 10- 20 phút trước ngủ để thai giáo, trò chuyện cùng thai nhi giúp mẹ và con càng được kết nối.
- Có thể bật một số nhạc nhẹ để ngủ ngon như nhạc sóng não Delta…

4. Những điều mẹ bầu cần tránh để có giấc ngủ ngon
- Tránh uống quá nhiều nước trước ngủ vì dễ gây thức giấc ban đêm để đi tiểu. Cùng với đó nên đi tiểu trước khi đi ngủ để bàng quang rỗng. Nếu tiểu đêm nhiều sẽ khiến ngưỡng chịu đựng áp lực của bàng quang sẽ kém. Điều đó sẽ khiến việc tiểu đêm ngày càng thường xuyên và gây mất ngủ.
- Đừng lo lắng thái quá về tình trạng mất ngủ vì càng stress, tình trạng mất ngủ càng nặng nề hơn
- Không tự ý mua thuốc ngủ hay các thuốc đông tây y không rõ nguồn gốc
- Không gian phòng ngủ phải yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, ánh sáng dịu nhẹ, nhiệt độ mát vừa phải 26-28 độ, tránh nhiệt độ quá lạnh về đêm khiến sản phụ bị cảm.
- Thai phụ nên mặc quần áo rộng rãi thoải mái, mềm mại và thấm hút mồ hôi. Khi ngủ nên có gối ôm để có tư thế ngủ thoải mái.
- Tránh xa các bộ phim bạo lực, máu me gây mất ngủ. Không nên sử dụng điện thoại hoặc tivi trước khi ngủ vì nó gia tăng áp lực lên não.

Hy vọng với thông tin trên thì các bà bầu đã biết được tư thế ngủ nào là tốt nhất cho mình. Mẹ có một giấc ngủ ngon mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của thai nhi.