Site icon BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI

Xét nghiệm AMH – Chỉ số cao, thấp và bình thường có ý nghĩa như nào?

12/01/2023

Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Qua đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, đặc biệt là những người có ý định thụ tinh trong ống nghiệm. Hãy cùng tìm hiểu xem ý nghĩa của AMH là như thế nào nhé.

1. Xét nghiệm AMH là gì ?

AMH (Anti-mullerian Hormone)

AMH (Anti-mullerian Hormone) được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. Lượng AMH cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng. Hay còn gọi là dự trữ buồng trứng. Dự trữ buồng trứng càng tốt nghĩa là khả năng sinh sản của buồng trứng càng cao và ngược lại.

Xét nghiệm AMH đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của buồng trứng. Đặc biệt ở bệnh nhân bị suy buồng trứng sớm. Nồng độ AMH sẽ hằng định, không thay đổi theo chu kỳ kinh nên có thể thực hiện vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh. Đây là ưu điểm của xét nghiệm AMH so với xét nghiệm FSH trước đây. Do vậy, việc xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng trở nên thuận tiện hơn nhiều. Trước đây, các xét nghiệm đánh giá chức năng buồng trứng (FSH, LH, E2) phải thực hiện vào đầu chu kỳ kinh (ngày 2-4).

Ý nghĩa chỉ số AMH

AMH tiên lượng khả năng sinh sản

– Nồng độ AMH sẽ cho biết khả năng sinh sản và dự trữ buồng trứng của phụ nữ. AMH bình thường ở phụ nữ dưới 38 tuổi khoảng từ 2,2 đến 6,8 ng/mL . Nếu nồng độ này quá thấp hoặc quá cao sẽ tiên lượng khả năng sinh sản gặp vấn đề, đồng thời việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng gặp ít nhiều khó khăn.

– Nếu AMH quá thấp dưới 0,5 ng/mL

Đây là một dấu hiệu cho thấy có rất ít trứng được dự trữ. Và khả năng mang thai là vô cùng khó khăn.

– Nếu AMH thấp khoảng từ 1,0 – 1,5 ng/mL

Đồng nghĩa với việc khả năng dự trữ buồng trứng bị suy yếu. Tuy nhiên người đó vẫn có có thể mang thai. 

– Còn nếu AMH quá cao trên 10 ng/ mL

Có thể gợi ý đến bệnh buồng trứng đa nang.

– Như vậy dựa vào chỉ số AMH các bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sinh sản của phụ nữ. Từ đó tư vấn thời điểm tốt nhất mang thai cũng như phương pháp hỗ trợ đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn.

AMH cho biết những dấu hiệu của sự lão hóa buồng trứng 

Lão hóa buồng trứng là hiện tượng xảy ra khi số lượng và chất lượng tế bào noãn bị giảm. Như vậy việc xét nghiệm AMH sẽ cho biết số noãn còn lại của buồng trứng. Từ đó đánh giá sự lão hóa. 

AMH còn có thể dự đoán tuổi mãn kinh ở phụ nữ bởi nó giảm dần theo độ tuổi. Thông thường tuổi mãn kinh của phụ nữ rơi vào khoảng 45 – 50 tuổi. Khi gần đến tuổi mãn kinh xét nghiệm nồng độ AMH sẽ thấy giảm và dần mất hẳn. Từ đó chị em phụ nữ có thể chủ động trong việc phòng tránh các bệnh mãn kinh, loãng xương,…

AMH đánh giá tình trạng tổn thương buồng trứng 

AMH cho biết số lượng nang noãn hiện đang có ở buồng trứng. Chính vì vậy chỉ số này giúp đánh giá tình trạng đáp ứng sau phẫu thuật của buồng trứng. Đồng thời phát hiện sớm những ảnh hưởng sau phẫu thuật hoặc xạ trị vùng tiểu khung nếu có.

AMH liên quan mật thiết đến thụ tinh trong ống nghiệm IVF

Có thể nói nồng độ AMH liên quan trực tiếp đến khả năng thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF. 

Khi AMH cao trong giới hạn, tương ứng với việc kích thích buồng trứng tốt, số lượng trứng được chọc hút nhiều. Như vậy tỷ lệ thụ tinh thành công cũng cao hơn.

Ngược lại khi AMH thấp, việc kích thích buồng trứng sẽ gặp nhiều khó khăn. Có ít trứng được chọc hút, như vậy tạo ít phôi và tỷ lệ thụ thai sẽ bị giảm. Trong trường hợp này các bác sĩ sẽ phải sử dụng thuốc và các phương pháp đặc biệt để can thiệp nhằm kích thích buồng trứng.

Xét nghiệm AMH có ưu điểm so với các xét nghiệm khác như thế nào?

Trước kia khả năng dự trữ buồng trứng thường được đánh giá thông qua chỉ số FSH, LH hay E2. Tuy nhiên các hormon này có 1 số nhược điểm so với AMH:

– Nồng độ FSH thường bị thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Do đó khó có thể đánh giá chính xác khi chu kỳ kinh bị thay đổi. Trong khi đó AMH lại không hề bị dao động và thuận tiện cho người bệnh có thể thực hiện xét nghiệm vào bất cứ ngày nào.

– FSH sẽ bị ức chế khi nồng độ estradiol tăng cao, như vậy sẽ bị phụ thuộc.

– Xét nghiệm FSH sẽ phải thực hiện vào ngày thứ 2 – 4 của chu kỳ kinh. 

– Nếu phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến nồng độ FSH. 

Như vậy hiện nay xét nghiệm AMH luôn được ưu tiên và được coi là tiêu chuẩn tốt nhất để đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng cũng như khả năng sinh sản của phụ nữ. 

Những ai nên làm xét nghiệm AMH ?

Những ai nên làm xét nghiệm AMH

Những phụ nữ trong các trường hợp sau thường sẽ được bác sĩ sản khoa khuyên nên tiến hành làm xét nghiệm AMH để chẩn đoán:

– Phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn.

– Phụ nữ bị buồng trứng đa nang.

– Người bị rối loạn kinh nguyệt, tắc kinh, vô kinh.

– Người có các vấn đề về buồng trứng như ung thư buồng trứng, suy buồng trứng,..

– Theo dõi hiệu quả việc điều trị vô sinh và lựa chọn thời gian mang thai hợp lý.

Ngoài ra AMH cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Như độ tuổi, cân nặng, việc sử dụng thuốc tránh thai, rượu, bia và các chất kích thích,…

Những thắc mắc thường gặp về chỉ số AMH

Chỉ số AMH bao nhiêu là bình thường?

Nồng độ AMH không thay đổi theo chu kỳ kinh. Nhưng sẽ có sự sụt giảm theo tuổi hoặc bị tác động bởi các yếu tố bệnh lý, stress…Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, chỉ số AMH bình thường dao động trong khoảng từ 2,2 – 6,8ng/ml . Mức AMH bình thường sẽ là điều kiện tốt để đáp ứng với các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Nếu nồng độ này quá thấp hoặc quá cao, bệnh nhân sẽ gặp một số bất lợi khi làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

Mức AMH thấp (1,0-1,5 ng/ml) cho thấy khả năng dự trữ buồng trứng suy giảm. Tuy nhiên vẫn có cơ hội mang thai. Còn với AMH cực thấp cho thấy rất ít trứng dự trữ. Và khả năng thụ thai là một vấn đề đáng lo ngại. Khi có chỉ số AMH thấp, IVF sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn so với IUI.

Ngược lại, những ai có chỉ số AMH cao và quá cao, nếu không có các biện pháp can thiệp hiện đại với chuyên gia giàu kinh nghiệm thì khi thực hiện kích trứng sẽ có nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng. Có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả của quá trình IVF.

Làm IVF thế nào khi AMH thấp?

Với thụ tinh ống nghiệm, phụ nữ có nồng độ AMH cao thường đáp ứng với kích thích buồng trứng tốt và số lượng trứng chọc hút được cũng nhiều hơn. Khi chọc hút được nhiều trứng, khả năng chọn lựa được phôi tốt để chuyển vào tử cung cao hơn nên tỷ lệ thành công cũng lớn hơn.

Phụ nữ có chỉ số xét nghiệm AMH thấp bên cạnh khả năng dự trữ buồng trứng suy giảm, thì họ cũng thường đáp ứng kém với thuốc kích thích buồng trứng. Do đó, bác sĩ sẽ phải sử dụng rất nhiều loại thuốc hoặc liều cao để kích thích buồng trứng để tăng tỷ lệ trứng có thể chọc hút. Với những trường hợp này, cơ hội có thai thường thấp hơn những người có chỉ số AMH cao.

Cho đến nay, chưa có phương pháp điều trị hay loại thuốc nào có thể làm tăng chỉ số AMH.

AMH không phải là tất cả để đánh giá khả năng thành công của một ca IVF. Bởi chỉ số này mới nói lên số lượng trứng dự trữ trong cơ thể người phụ nữ. Và không phản ánh được chất lượng của buồng trứng. Do đó, bác sĩ sẽ phải kết hợp thêm nhiều xét nghiệm, kiểm tra chuyên sâu khác. Để từ đó có cái nhìn đầy đủ và chính xác nhất về tỷ lệ thành công cho một ca IVF.

Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm khá mới, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của buồng trứng. Đặc biệt trước khi thực hiện kích trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm. Hiểu rõ về chỉ số này sẽ giúp ước đoán khả năng sinh con và kịp thời đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp nhằm tăng khả năng mang thai. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể nhấn vào nút đặt lịch khám để được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám và tư vấn kĩ lưỡng.
Exit mobile version