Ốm nghén – Những biện pháp giúp mẹ bầu giảm nghén

26/01/2023

Ốm nghén là dấu hiệu biểu hiện có thai phổ biến ở mẹ bầu, là tín hiệu cho thấy một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc bị ốm nghén nặng có thể khiến bạn gặp khó khăn khi ăn, uống, hấp thu dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai thi. Dưới đây là một số lưu ý nhằm giảm nghén hiệu quả mà mẹ bầu có thể tham khảo.

Ốm nghén là gì?

Là “tình trạng buồn nôn và nôn mửa trong thời kỳ mang thai”. Có đến ba phần tư phụ nữ mang thai có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất. Và khoảng một nửa số người chỉ nôn mửa. Buồn nôn thường nặng hơn vào buổi sáng và dịu đi trong ngày. Nhưng tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và đối với nhiều phụ nữ, nó kéo dài cả ngày. Cường độ các triệu chứng cũng có thể khác nhau giữa các mẹ bầu. Có thể đi kèm một số triệu chứng khác như thèm ăn và chán ăn, nhức đầu, cảm thấy lơ mơ, chóng mặt…

ốm nghén
Tình trạng ốm nghén luôn khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu

Ốm nghén thông thường:

  • Nôn vừa phải nên thức ăn vẫn được giữ trong dạ dày
  • Khoảng 80% thai phụ gặp phải tình trạng này
  • Giảm từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc sớm hơn
  • Ốm nghén thông thường không gây sút cân
  • Để điều trị, chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn.

Ốm nghén nặng:

  • Nôn nhiều nên thức ăn trong dạ dày bị tống hết ra ngoài
  • Khoảng 1 – 1,5% thai phụ gặp phải
  • Ốm nghén nặng có thể kéo dài suốt thai kỳ
  • Bà bầu có thể giảm từ 2 – 10kg
  • Để điều trị, phải dùng thuốc hoặc nhập viện.

Ốm nghén nặng thường bắt đầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Gần 1 – 1,5% mẹ bầu bị tình trạng này trong suốt quá trình mang thai. Một số biểu hiện ốm nghén nặng phổ biến nhất là:

  • Cảm giác buồn nôn gần như diễn ra thường xuyên
  • Ăn không ngon
  • Nôn nhiều hơn 3 hoặc 4 lần một ngày
  • Mất nước và mất cân bằng điện giải
  • Cảm thấy xây xẩm, chóng mặt
  • Lo âu, căng thẳng quá mức
  • Giảm 2 – 10kg cân nặng hoặc 5% trọng lượng cơ thể vì nôn quá nhiều.
Nếu nôn mửa đi kèm với những triệu chứng sau, bạn cần đi khám ngay:
  • Nước tiểu rất sậm màu hay không tiểu sau 8 giờ
  • Không ăn uống trong 24 giờ
  • Mệt mỏi nhiều, chóng mặt và ngất khi đứng dậy
  • Đau bụng
  • Sốt từ 38 độ trở lên
  • Nôn ra máu.

Ảnh hưởng của nôn nghén tới thai kỳ đến mẹ và bé như thế nào?


Đối với thai nhi

  • Nếu mẹ nghén mức độ nhẹ hoặc trung bình thì không gây nguy hiểm tới em bé.
  • Nghén cho thấy thai đang phát triển tốt, bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như BhCG, estrogen vào máu mẹ và làm mẹ bị nghén.
  • Một vài nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ có chứng ốm nghén thì tỷ lệ sẩy thai thấp hơn.
  • Tuy nhiên nếu mẹ bị nghén quá nhiều và bị sụt cân thì có liên quan đến nguy cơ sinh non, nhẹ cân. Tình trạng này hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 3% phụ nữ.
  • Thai phụ cần điều trị sớm với chứng ốm nghén nặng để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và sụt cân không lành mạnh có thể gây hại cho mẹ và thai nhi.

Đối với mẹ

  • Nôn nghén thai kỳ làm tăng tỷ lệ nhập viện, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của thai phụ.
  • Một số trường hợp nặng có thể dẫn tới ý định chấm dứt thai kỳ.

Làm thế nào để giảm nghén trong thai kỳ

mẹ bầu
Những điều cần lưu ý để giảm nghén trong thai kỳ
Thay đổi lối sống hằng ngày
  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và thư giãn càng nhiều càng tốt.
  • Uống nước thường xuyên để tránh mất nước: uống từng ngụm nhỏ và uống giữa các bữa ăn.
  • Chia nhỏ bữa ăn và hạn chế để dạ dày trống.
  • Ăn một lượng nhỏ thức ăn ít đường, thực phẩm giàu chất xơ, chứa nhiều carbohydrate và ít chất béo như bánh mì, cơm hoặc mì ống, đặc biệt nên ăn đồ lạnh.
  • Ăn loại thực phẩm có hàm lượng protein cao như thịt, trứng, các loại hạt hoặc các sản phẩm từ sữa như bánh quy giòn.
Chế độ ăn
  • Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, có thể 5-6 bữa, nên ăn chậm, nếu quá no hoặc quá đói cũng gây kích thích dạ dày gây buồn nôn – nôn.
  • Ăn nhẹ ngay trước khi đi ngủ, nên ăn thức ăn nhẹ đơn giản như: bánh quy giòn,…
  • Sử dụng thực phẩm giàu protein: các loại hạt, thịt nạc, trứng, đậu phụ và sữa chua có thể giúp ổn định dạ dày.
  • Sử dụng thực phẩm chứa Carbohydrate phức hợp: bánh mì, ngũ cốc, các loại rau củ giàu tinh bột.
  • Sử dụng thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa, không mùi, không dầu mỡ, khô như chuối, cơm, bánh mì, khoai tây, ngũ cốc,…
  • Thực phẩm cung cấp vitamin B6: Các loại hạt, đậu xanh, cà rốt, súp lơ, khoai tây, thịt nạc và cá là những nguồn cung cấp vitamin này dồi dào, chúng đã được chứng minh là làm giảm cảm giác buồn nôn ở một số phụ nữ.
  • Đồ ăn lạnh: Các loại thực phẩm mát lạnh như sữa chua, trái cây họ cam quýt hoặc súp lạnh cũng giúp ích cho hệ tiêu hóa trong thai kỳ.
  • Không nằm ngay sau khi ăn vì có thể làm chậm quá trình tiêu hoá.
Chế độ uống
  • Uống nước thường xuyên để tránh mất nước: uống từng ngụm nhỏ và thường xuyên uống nước giữa các bữa ăn.
  • Uống các loại nước làm lạnh, có mùi dễ chịu như nước chanh, nước cam,… Nên uống nước 30 phút trước và sau khi ăn thức ăn đặc để tránh làm dạ dày quá đầy sau ăn.
  • Bổ sung các loại nước cung cấp điện giải: orezol, pocari sweat,…
  • Trà bạc hà hoặc ngậm kẹo bạc hà tạo cảm giác dễ chịu đặc biệt là sau khi ăn.
  • Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng thực sự làm giảm nôn nghén trong thai kỳ, mùi gừng tươi làm dịu cơn đau bụng. Thử ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹo gừng, trà gừng.
  • Thuốc sắt có thể gây kích thích dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn. Do đó có thể ngưng sắt trong giai đoạn nghén nhiều và bắt đầu uống lại khi nghén giảm đi.
  • Tiếp tục uống viên acid folic đơn thuần trong giai đoạn này.
Tinh thần
  • Nghỉ ngơi và tránh căng thẳng: Thư giãn bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như: yoga, đi bộ,…
  • Đánh lạc hướng bản thân: Xem một chương trình truyền hình hoặc thưởng thức một bản nhạc có thể giúp giảm bớt căng thẳng và giúp tâm trí bạn bớt khó chịu.
  • Tránh các yếu tố gây kích hoạt: Tránh các loại mùi gây khó chịu có thể khởi phát cảm giác buồn nôn như mùi nước hoa, nước xịt phòng, nước tẩy rửa, mùi tỏi, cà phê,… Mở cửa sổ để phòng thông thoáng và tránh nơi ngột ngạt.
  • Trò chuyện với người thân/ bạn bè: Ốm nghén có thể làm mất niềm vui khi mang thai. Có thể hữu ích khi chia sẻ cảm giác của bạn với một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình, những người có thể thông cảm và hỗ trợ.
Vận động
  • Đi dạo: Tận hưởng không khí trong lành bằng cách đi dạo hoặc mở cửa sổ.
  • Đứng dậy từ từ: Vào buổi sáng, hãy ngồi trên giường vài phút, thay vì bật dậy ngay.
Vệ sinh
  • Đánh răng và súc miệng: Hãy thử cách này sau khi ăn để làm mất mùi vị của thức ăn.
  • Nếu đánh răng khiến bạn cảm thấy buồn nôn, hãy thử chuyển sang một loại kem đánh răng khác ít bạc hà hơn.
  • Tắm rửa, vệ sinh thân thể hằng ngày cho tinh thần thoải mái.

Những dấu hiệu bất thường mẹ bầu cần khám và nhập viện?

  • Khi có dấu hiệu mất nước: tiểu không thường xuyên, nước tiểu sẫm màu, khô môi.
  • Giảm từ 2 kg trở lên.
  • Nôn nhiều lần trong ngày, đặc biệt nôn ra máu.
  • Không ăn uống được bất cứ thứ gì trên 12 giờ.
  • Chóng mặt khi khi thay đổi tư thế.
  • Sốt hoặc tiêu chảy kéo dài kèm theo buồn nôn và nôn.
  • Cảm giác tuyệt vọng, muốn kết thúc thai kỳ hoặc có ý định tự tử vì mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng buồn nôn/ nôn.

Tóm lại, ốm nghén là một trong những biểu hiện rất hiển nhiên đối với mọi phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phụ nữ có thể xem thường. Trên thực tế ốm nghén có khả năng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nếu không được điều trị đúng cách.

Nếu có nhu cầu thăm khám, quý khách có thể nhấn đặt lịch khám ngay, hoặc đến trực tiếp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được các y bác sĩ tư vấn và chăm sóc tận tình.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN