03/02/2023
Cử động thai (thai máy) là những cử động của thai trong bụng mẹ như đạp, xoay trở, cuộn mình. Mặc dù thai cử động từ rất sớm, khoảng tuần thứ 7-8 nhưng mẹ thường cảm nhận được cử động thai vào khoảng tuần 15-25 của thai kỳ.
CỬ ĐỘNG THAI LÀ GÌ?
Cử động thai còn có tên gọi khác là thai máy, là hiện tượng thai nhi trong bụng mẹ có những cử động như co, duỗi, xoay trở, đạp chân…, tuần thai càng nhiều thì càng dễ cảm nhận được những cử động thai này.
Cử động thai thể hiện tình hình sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi khỏe mạnh thì sẽ có những cử động thai nhất định trong ngày (trừ khi thai nhi ngủ). Nếu như số lần thai máy giảm đi thì đó là dấu hiệu cảnh báo thai nhi gặp vấn đề. Trường hợp thai nhi không máy trong một vài ngày hay máy yếu thì rất có khả năng thai bị suy hoặc bị lưu thai. Chính vì thế các bà mẹ mang thai phải đặc biệt lưu ý vấn đề này, theo dõi và đếm cử động thai mỗi ngày là việc làm cần thiết.
Thai bao nhiêu tuần thì đạp mạnh?
Hầu hết tất cả thai phụ đều có chung thắc mắc, không biết “thai bao nhiêu tuần thì đạp mạnh?” Để trả lời được những câu hỏi này còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Và còn phải tùy cơ địa của mỗi mẹ. Thường thì trong khoảng 3 tháng giữa của thai kỳ, cử động thai sẽ không được đều đặn. Càng về sau, khi tuổi thai càng lớn thì thời gian thai máy càng nhiều. Lúc này, thai nhi cử động thai máy rõ ràng. Nhất là từ tuần 22 đến tuần thai thứ 34.
Bất kỳ người mẹ mang thai nào cũng có cảm giác hạnh phúc lâng lâng khi thấy được lần cử động thai đầu tiên, rồi ngóng chờ những lần cử động thai tiếp theo của con, học cách theo dõi sức khỏe của thai nhi trong bụng qua những lần thai máy. Đây cũng là phương thức tích cực nhất, đơn giản nhất để ba mẹ cùng bác sĩ theo dõi thai nhi một cách hoàn chỉnh.
Thai cử động nhiều có nguy hiểm không?
Có một số bé sẽ cử động nhiều hơn những bé khác, nôm na là “nghịch ngợm” hơn. Thông thường đây không phải là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thai. Mà điều này chỉ cho thấy em bé của bạn đang hoạt động tốt. Bạn có thể để ý là thai thường cử động nhiều sau ăn, sau uống nước lạnh và khi bạn nghỉ ngơi, đặc biệt về đêm.
Cũng có thể do ban ngày mẹ bận rộn công việc nên không để ý. Về đêm khi mẹ nghỉ ngơi thư giãn sẽ thấy thai cử động nhiều hơn ban ngày. Nếu thai cử động quá nhiều làm mẹ khó ngủ thì mẹ có thể ngồi dậy, lắc lư nhẹ nhàng cơ thể để “trấn an” em bé và thai có thể giảm cử động sau đó. Mẹ ăn ngọt và uống café cũng có thể làm thai bị kích thích. Do đó cố gắng hạn chế nếu thai cử động quá nhiều.
Mặc dù thai cử động nhiều thường không đáng lo ngại nhưng nếu đột ngột thai cử động quá nhiều, mạnh, nhất là sau một thời gian cử động yếu, ít thì mẹ nên đi khám. Trực giác làm mẹ rất quan trọng. Bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng vì thai cử động không giống như bình thường, mẹ nên khám bác sĩ để được đánh giá một cách chính xác nhất.
Hướng dẫn các bà mẹ đếm cử động thai mỗi ngày
- Trước khi đếm số lần thai máy, thai phụ cần đi tiểu để làm trống bàng quang của mình. Nằm thư giãn và đặt tay lên bụng để đếm số cử động của thai nhi.
Đếm số lần thai máy cử động trong vòng một giờ.
- Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.
- Nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai, thai phụ phải nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ tiếp theo, có ít hơn 10 cử động thai, cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi tình trạng thai bằng những phương pháp khác.
- Mỗi ngày, bà mẹ hãy chọn cùng thời điểm dễ dàng theo dõi và đánh giá cử động thai. Có thể là sau khi ăn sáng, trưa hoặc tối. Tốt nhất là đếm số lần thai máy sau ăn no và sau khi đã đi tiểu. Nên đếm thai máy cử động thai 2 – 3 lần trong ngày, vào những giờ cố định. Khi thai ngủ, số lần thai máy sẽ giảm hoặc không có. Thời gian thai nhi ngủ khoảng 20-40 phút, thông thường không quá 90 phút.
Cách đánh giá sức khỏe của trẻ qua đếm thai máy
- Bình thường thai nhi khỏe khi có hơn 4 lần cử động mỗi giờ.
- Nếu trong 2 giờ liên tiếp, cử đông thai nhi có dưới 3 lần hay ít hơn thì đây là dấu hiệu báo động nghi ngờ thai nhi yếu. Khi đó người mẹ nên đi khám để được theo dõi sức khỏe thai bằng máy Monitor.
- Số cử động trung bình mỗi ngày của thai nhi là 16 – 45 lần; khoảng cách tối đa ghi nhận giữa các lần thai máy là 50 – 75 phút. Có thể không cảm nhận được cử động của thai nhi trong khoảng thời gian thai nhi ngủ. Thời gian ngủ của thai nhi thường 20 – 40 phút, hiếm khi quá 90 phút.
- Bà mẹ nên nghỉ ngơi tư thế nằm, và tập trung đếm số lần thai máy (đá, đấm, xoay, cuộn) trong vòng 1 giờ, cùng với số thời gian để có được 10 cử động thai, và ghi lại trong 1 biểu đồ. Hãy tránh chu kỳ ngủ của thai (có thể từ 20 đến 75 phút). Buổi tối tới đêm là lúc thai nhi hoạt động nhiều nhất.
- Số lần thai máy thường cao nhất ở khoảng tuần 28-32, sau đó giảm chút ít khi sắp sinh. Ở thời điểm chuẩn bị sinh, số lần thai máy trung bình 1 giờ khi thai hoạt động là 31.
Phương pháp đếm thời gian trong đếm số lần thai máy
Đếm thời gian cho 10 cử động thai là phương pháp ưa dùng nhất hiện nay. Thời gian trung bình để đếm được 10 cử động thai rất dao động. Có thể là từ 10 đến 21 phút, theo các nhóm nghiên cứu khác nhau. 90% các sản phụ đếm được 10 cử động trong vòng 25 phút khi thai tuần 28-36 và 35 phút khi thai 37-40 tuần. Nếu số cử động thai dưới 10 trong 2 giờ, đó là dấu hiệu nguy hiểm. Lúc này cần tới bệnh viện ngay.
Giảm số cử động thai có thể gặp trên các trường hợp: Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít, thai quá ngày sinh hay thai chậm phát triển trong tử cung, đa thai, và các bệnh lý của mẹ như huyết áp cao hay đái tháo đường. Trong những trường hợp này, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng thai qua các thăm dò sâu hơn. Ví dụ nhưtạo và theo dõi hồ sơ sinh lý của thai.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể nhấn vào nút đặt lịch khám để được các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám và tư vấn kĩ lưỡng.