Theo thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên trong cả nước đang ở mức báo động với 250.000 300.000 ca mỗi năm. Các chuyên gia cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường khi nạo phá thai ở độ tuổi này.
- Nạo phá thai là gì ?
Phá thai là biện pháp sử dụng thủ thuật hoặc thuốc với mục đích chấm dứt thai kỳ ở giai đoạn sớm của chu kỳ mang thai. Còn được định nghĩa y học như thuật ngữ về một sự kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ hay lấy phôi hay thai nhi khỏi tử cung trước khi tới hạn sinh nở
Vậy nguyên nhân do đâu dẫn tới việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ? Là do sự phát triển của kinh tế – xã hội, internet, những khái niệm như quan hệ trước hôn nhân, sống thử… của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nhưng điều nguy hiểm nhất đó chính là sự thiếu hiểu biết về tình dục an toàn. Hay sử dụng thuốc trai bừa bãi mà không thực sự biết các sử dụng và hậu quả mà nó để lại.
Mặc dù tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta được duy trì ở mức khoảng 75 – 79% trong nhiều năm qua. Nhưng tỷ lệ phá thai vẫn cao là do còn nhiều trường hợp không áp dụng biện pháp tránh thai; có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và nhất là thất bại trong các biện pháp tránh thai.
- Thực trạng đáng báo động ở nước ta
Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, trong các trường hợp mang thai hằng năm trên thế giới, có tới 1/3 là mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, có tới 36% người ở độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25…
Tại Việt Nam, thời gian qua, hệ thống y tế và dân số đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, theo thống kê trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Theo số liệu ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ” khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần. Cá biệt, có những trường hợp phát hiện có thai thì đã quá to (trên 7 tháng) mới đến xin phá thai nhưng lúc đấy đã không thể bỏ thai được nữa…
Còn theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP.HCM năm 2017, cứ 100 trường hợp trẻ sinh ra sống lại có 73 trường hợp phá thai, trong đó 2,4% là vị thành niên. Nhưng đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì theo ghi nhận, tại các cơ sở công lập và các phòng khám tư có đăng ký nạo phá thai, tỷ lệ các ca nạo phá thai được ghi nhận trong năm 2017 lên đến gần 30.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động.
Theo các chuyên gia y tế – dân số, với con số mang thai vị thành niên và phá thai nêu trên đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số và phát triển nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bác sĩ Đồng Thu Trang – Khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc mang thai ở tuổi vị thành niên có thể để lại những hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và con. Tỷ lệ thai nghén nguy cơ cao, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục… ở lứa tuổi này cao hơn so với những bà mẹ lớn tuổi. Những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ vị thành niên có tỷ lệ chết trước một tuổi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tật cao hơn so với con của các mẹ ở tuổi trưởng thành.
Cũng theo bác sĩ Trang, ở lứa tuổi này, khung chậu phát triển chưa đầy đủ nên khi hỗ trợ các bé gái sinh, bác sĩ thường phải can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Làm mẹ quá trẻ, cơ thể phát triển chưa đầy đủ dễ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu. Việc có em bé sớm có thể khiến các em phải bỏ học, ảnh hưởng tâm lý và có thể bị mắc bệnh trầm cảm nếu không được gia đình quan tâm.
Vì vậy, bác sĩ Trang khuyến cáo, cha mẹ cần cung cấp cho giới trẻ kiến thức về sinh sản và sức khỏe tình dục, bao gồm kiến thức về các chức năng của bộ phận sinh dục, biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS để hạn chế tình trạng có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên.
Còn theo đại diện Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, để hạn chế tỷ lệ mang thai ở lứa tuổi vị thành niên cần thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho trẻ em gái vị thành niên.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, cần đảm bảo rằng các dịch vụ này được cung cấp tới các đối tượng một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.
“Ngoài ra, các cơ quan quản lý liên quan cần ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi, đảm bảo rằng các em gái được đi học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học”, đại diện Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình nêu.