Đau xương cụt sau sinh – Các bài tập giảm đau xương cụt

11/02/2023

Đau xương cụt sau sinh là hiện tượng phổ biến xuất hiện ở nhiều phụ nữ. Nó không chỉ gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Dưới đây là một số bài tập giúp bạn giảm đau xương cụt hiệu quả bạn có thể tham khảo.

Đau xương cụt sau khi sinh là gì ?

Xương cụt là phần xương cuối cùng của cột sống. Đây là một xương nhỏ, được tạo bởi 5 đốt sống thành hình tam giác. Nó hỗ trợ cơ thể ngồi vững và cũng là khu vực có nhiều gân, cơ, dây chằng chạy qua.

Hiện tượng đau xương cụt sau sinh là cảm giác đau âm ỉ hay đau nhói ở phần cuối của cột sống sau khi trải qua quá trình sinh đẻ. Phần lớn phụ nữ bị đau xương cụt sau sinh thường, nhưng đôi khi đau xương cụt có thể xuất hiện sau sinh mổ. Đau xương cụt thường sẽ cải thiện sau khi sinh nở. Nhưng nếu bị bầm tím hoặc gãy xương cụt, cơn đau có thể kéo dài vài tuần sau khi sinh em bé.

đau xương cụt
Hiện tượng đau xương cụt sau sinh là cảm giác đau âm ỉ hay đau nhói ở phần cuối của cột sống

Nguyên nhân gây đau xương cụt sau sinh

Các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau xương cụt sau sinh gồm:

  • Tăng áp lực lên xương cụt trong quá trình sinh.
  • Thiếu Calci.
  • Sinh hoạt sai tư thế.
  • Bà mẹ bị thừa cân hoặc quá gầy.
  • Chấn thương xương cụt sau sinh.

Đau xương cụt có thể là do mắc phải một số bệnh lý khác

Đau xương cụt đôi khi có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:

  • Thoái hóa khớp
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5-S1
  • Loãng xương
  • Vôi hóa cột sống
  • Viêm cơ quan sinh dục
  • Viêm đường tiết niệu
  • Tử cung bất thường: bị sệ xuống, thoát ra ngoài, dính chặt bên trên gây đau.
  • Đặt vòng tránh thai không phù hợp: kích thước không đúng, độ đàn hồi lớn, vị trí bị lệch..
  • Có khối u ở khoang chậu: u nang buồng trứng, u xở tử cung có thể chèn ép vào dây thần kinh. Hoặc tế bào ung thư xâm nhập vào khoang chậu sẽ dẫn tới đau xương cụt.

Dấu hiệu của đau xương cụt

Một số triệu chứng của đau xương cụt bao gồm:

  • Đau ở lưng dưới, có thể lan ra toàn bộ mông, xuống chi dưới.
  • Đau nhiều khi ấn vào vùng xương cụt.
  • Đau nhiều hơn khi thay đổi tư thế, đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài hoặc đại tiện.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Khó chịu đáng kể về đêm dẫn đến khó ngủ.

Các bài tập giảm đau cho chị em

bài tập
Chị em có thể áp dụng một số bài tập để làm giảm tình trạng đau xương cụt

Do sự gắn kết của sàn chậu với xương cụt, các bài tập sàn chậu có thể giúp giảm đau xương cụt. Cố gắng tìm một tư thế không làm cơn đau thêm trầm trọng – ví dụ như nằm sấp, nằm nghiêng hoặc ngồi trên một tấm đệm. Thực hiện các bài tập sàn chậu khi nằm ngửa với đầu gối co lại, miễn là không có cảm giác khó chịu. Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu cho chứng đau xương cụt.

Bài tập 1: Co thắt cơ sàn chậu

  • Tư thế nằm ngửa, co đầu gối lại và đặt bàn chân trên mặt sàn.
  • Siết chặt cơ hậu môn và sau đó siết chặt cơ thắt tiểu giống như đang cố gắng không cho phân và nước tiểu ra ngoài.
  • Không nên sử dụng cơ bụng và các cơ ở bắp đùi để trợ lực cho động tác này.
  • Trong 10 lần đầu tiên, cố gắng siết chặt và giữ trong 1 giây và thư giãn trong 1 giây. 10 lần sau đó, cố gắng siết chặt và giữ trong 3 – 5 giây. Có thể tăng thời gian giữ lên 10 giây.
  • Giữ nhịp thở đều trong suốt quá trình thực hiện động tác, sau đó thả lỏng trong ít nhất 6 giây cho mỗi lần co thắt.

Bài tập 2: Ép mông

  • Tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái.
  • Dùng lực của cơ mông ép hai phần mông vào nhau.
  • Cố gắng giữ trong 10 giây và thư giãn.
  • Lặp lại động tác 10 lần.

Bài tập 3: Bài tập hóp bụng

  • Bắt đầu nằm xuống với đầu gối gấp và bàn chân đặt trên giường.
  • Hít vào, sau đó khi thở ra, nhẹ nhàng hóp bụng dưới (hạ vị) về phía cột sống.
  • Cố gắng giữ ở tư thế này trong khi tiếp tục thở, và sau đó thư giãn.
  • Cố gắng tăng lần giữ cho đến khi được 10 giây.
  • Lặp lại động tác 10 lần.

Bài tập 4: Động tác ép xương cụt

  • Bắt đầu nằm xuống với đầu gối gấp và bàn chân đặt trên giường.
  • Hóp phần bụng dưới giống như trong bài tập cơ ngang bụng.
  • Đồng thời ấn phần xương cút xuống dưới sàn để làm phẳng đường cong của thắt lưng.
  • Thở đều trong lúc giữ ở tư thế này trong 2 – 3 phút và sau đó thử giãn.

Bài tập 5: Căng lưng với một chân

  • Bắt đầu nằm xuống.
  • Dùng tay ôm gối và kéo và áp sát vào ngực, chân còn lại có thể giữ nguyên hoặc co nhẹ.
  • Giữ căng ở tư thế này trong 30 giây.
  • Lặp lại động tác với chân đối diện.

Bài tập 6: Căng cơ hình lê

  • Bắt đầu ở tư thế nằm.
  • Đặt một mắt cá chân ngay phía trên và ngoài đầu gối chân đối diện.
  • Dùng hai tay giữ đầu gối chân còn lại đó kéo và áp sát về phía lông ngực hết mức có thể.
  • Giữ căng ở tư thế này trong 30 giây.
  • Lặp lại động tác với chân đối diện.

Bài tập 7: Động tác cây cầu

  • Bắt đầu ở tư thế nằm với đầu gối gấp và đặt hai bàn chân trên mặt sàn, hai cánh tay đặt dọc theo cơ thể, bàn tay úp xuống dưới.
  • Thực hiện động tác hóp bụng và ép xương cụt.
  • Giữ hai chân cố định, nâng mông và cơ thể lên trên hướng mắt về phía bụng và giữ ở tư thế này trong 5 giây, nếu có thể thì tăng lên 10 giây.

Bài tập 8: Động tác con ngao

  • Bắt đầu với tư thế nằm nghiêng, co cả hai gối.
  • Nhấc một chân lên cao về phía sau lưng, giữ hai gót chân luôn dính với nhau.
  • Lặp lại động tác 10 lần mỗi chân.

Bài tập 9: Căng gân Hamstring

  • Ngồi hoặc đứng, duỗi một chân thật căng và hướng bàn chân và các ngón chân lên trần nhà.
  • Nghiêng người về phía trước so với chân, lúc này sẽ cảm giác được độ căng của phần chân phía sau.
  • Giữ ở tư thế này trong 30 giây và lặp lại với chân đối diện mỗi 3 lần.

Bài tập 10: Khuỵu hông và duỗi thẳng

  • Bắt đầu với tư thế quỳ gối ở một chân, chân còn lại chống trên mặt sàn.
  • Đặt tay lên đầu gối trước và nghiêng người về phía trước cho đi khi cảm giác căng cứng ở lưng, mông và chân sau.
  • Giữ ở tư thế này trong 30 giây.
  • Lặp lại ở chân đối diện mỗi 3 lần.

Bài tập 11: Tư thế bồ câu

  • Bắt đầu với tư thế ngồi, đặt một chân ra sau lưng.
  • Gập chân còn lại về phía trước với đầu gối uốn cong sao cho cẳng chân nằm ngang trước xương chậu.
  • Rướn người về phía trước.
  • Giữ ở tư thế này trong 30 giây.
  • Lặp lại với chân đối diện mỗi 3 lần.

Bài tập 12: Tư thế con mèo

  • Đặt tay và gối ở trên sàn giống tư thế của một con mèo.
  • Hai tay đặt rộng bằng vai, hai gối rộng bằng hông.
  • Hít vào sâu và võng lưng dưới hướng xuống sàn.
  • Thở ra và đưa lưng lại vị trí ban đầu, cúi đầu gập cằm.
  • Lặp lại 5 – 10 lần

Bài tập 13: Tư thế rắn hổ mang

  • Bắt đầu với tư thế nằm sấp, đặt hai bàn tay chống trên mặt sàn.
  • Hít sâu đồng thời nâng hai vai và ngực lên.
  • Mở rộng thành ngực, mắt nhìn thẳng và không nên rướn cổ về phía trước.
  • Giữ trong 5 nhịp thở.
  • Khi thở ra hay nằm áp xuống sàn.
  • Thực hiện động tác 5 lần.

Bài tập 14: Tư thế cúi gập

  • Bắt đầu với tư thế chân rộng bằng hông, đặt hai tay dọc cơ thể.
  • Hít vào và nâng hai cánh tay hướng lên trần, mắt nhìn lên trần.
  • Cong xương bả vai để lưng được thẳng.
  • Thở ra và thả hay tay xuống.
  • Sau đó, gập người sao cho phần ngực áp sát hết mức vào đùi.
  • Chạm tay và cổ chân hoặc sàn nhà.
  • Giữ ở tư thế này trong 10 – 15 giây, trong khi đó vẫn hít thở nhịp nhàng.

Các phương pháp điều trị đau xương cụt khác

Ngoài áp dụng các bài tập giúp giảm đau xương cụt, các bà mẹ có thể áp dụng kèm theo với các phương pháp dưới đây để làm giảm các cơn đau xương cụt sau sinh.

  • Chườm lạnh trên vùng đau trong 15 – 20 phút vài lần mỗi ngày (cách 2 tiếng một lần), trong khoảng 72 giờ đầu khi xuất hiện cơn đau. Sau 72 giờ, bà mẹ có thể sử dụng túi chườm nóng để áp lên vùng bị đau khoảng 15 phút, 3 lần mỗi ngày.
  • Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol, hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen, Aspirin,…hoặc các thuốc giảm đau dán trên da, hoặc bôi trên da như Menthol, Lidocain,… có thể giúp giảm sưng và đau. Các loại thuốc này cần được chỉ định và theo dõi điều trị bởi các bác sĩ, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc về sử dụng.
  • Việc ngâm mình trong bồn nước ấm cũng có thể giúp giảm các cơn đau xương cụt.
  • Trong khi vết thương lành lại, ngồi trên đệm hình chữ O hoặc chữ V có thể thoải mái hơn. Một số phụ nữ sử dụng một tấm đệm đặc biệt khiến cơ thể hơi nghiêng về phía trước. Giữa miếng đệm được khoét một lỗ nhỏ để giảm áp lực lên xương cụt.
  • Nằm sấp hoặc nằm nghiêng thay vì nằm ngửa sẽ giảm áp lực lên xương cụt.
  • Táo bón sau sinh có thể gây nên những cơn đau vùng xương cụt. Bà mẹ cần uống thêm nước, ăn nhiều chất xơ và sử dụng chất làm mềm phân, nếu cần thiết để giúp đi tiêu thoải mái hơn.

Khi nào thì nên gặp bác sĩ?

Khi đau đi kèm một số biểu hiện sau bạn nên tới gặp bác sĩ ngay:

  • Đau ngày càng tăng và kéo dài, không giảm ngay cả khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà trên 1 tuần
  • Sốt
  • Đau bụng dưới
  • Chán ăn
  • Buồn nôn
  • Vận động khó khăn

Tham khảo website Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để trang bị cho mình thật nhiều kiến thức và tìm hiểu thật nhiều thông tin hữu ích về các vấn đề liên quan đến sinh sản. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng nhấn đặt lịch khám ngay.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN