Vô sinh hiếm muộn đang dần trở thành một gánh nặng cho ngành y tế. Bên cạnh đó nó còn có tác động tiêu cực về mặt tâm lý ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần. Thậm chí nó còn có thể dẫn đến trầm cảm.
1. Vô sinh hiếm muộn tác động đến trầm cảm như thế nào?
Theo trung tâm hỗ trợ sinh sản của trường đại học Harvard, mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 1,3 triệu bệnh nhân phải nhận tư vấn hoặc điều trị vô sinh hiếm muộn có các vấn đề về tâm lý. Vô sinh hiếm muộn gây ra nhiều trải nghiệm tiêu cực như lo âu, mặc cảm, đau khổ, tuyệt vọng. Những cảm giác căng thẳng, chán nản xuất hiện thường xuyên có nguy cơ sẽ dẫn tới bệnh trầm cảm. Ngoài ra, trầm cảm cũng ảnh hưởng tới khả năng thụ thai, kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản.
Những người vô sinh hiếm muộn thường trải qua những cảm xúc đau khổ. Cụ thể là đau buồn, chán nản, tức giận và thất vọng, mặc cảm, tội lỗi, cảm giác bất lực.
Các mối quan hệ của người vô sinh hiếm muộn có thể bị ảnh hưởng. Không chỉ với bạn đời mà cả những người có bạn bè và thành viên gia đình. Họ thường tránh giao tiếp xã hội với bạn bè đang mang thai và gia đình có con. Họ có thể vật lộn với rối loạn chức năng tình dục liên quan đến lo lắng và các xung đột hôn nhân khác.
Một số nguyên nhân khiến những người đang điều trị hiếm muộn có khả năng sẽ mắc trầm cảm, bao gồm:
- Căng thẳng (stress): Hiếm muộn có thể gây ra rất nhiều căng thẳng trong cuộc sống, đặc biệt là với những chị em đang chịu nhiều áp lực từ phía nhà chồng. Một số vấn đề căng thẳng.
- Lo lắng về tiền bạc: Chi phí điều trị vô sinh là khá lớn. Đối với những bệnh nhân không có điều kiện chi trả cho điều trị, việc không thể điều trị có thể góp phần gây ra cảm giác bất lực và vô vọng.
- Lựa chọn điều trị: Các can thiệp vô sinh có thể giúp bệnh nhân trở thành cha mẹ. Đó có thể rất là điều rất vui mừng, nhưng đồng thời họ cũng phải học cách điều chỉnh vai trò và áp lực mới cả trong khi mang thai và sau khi sinh con.
- Kết quả điều trị: Việc điều trị thất bại có thể gây ra đau khổ, cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Hầu hết các bệnh nhân rất khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ mong muốn sinh con sang chấp nhận rằng họ sẽ phải theo đuổi việc nhận con nuôi hoặc là không có con.
- Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc chữa hiếm muộn thường tập trung kích thích các nội tiết tố. Đôi khi, việc biến đổi các nội tiết tố này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con người, làm tăng khả năng phát sinh các triệu chứng trầm cảm.
2. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hiếm muộn không?
Trầm cảm cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội mang thai. Uống rượu hoặc hút thuốc có thể bắt đầu hoặc tăng lên khi mắc trầm cảm. Lo âu quá nhiều cũng có thể làm tổn hại khả năng sinh sản. Rối loạn giấc ngủ cũng liên quan đến trầm cảm (và một số loại thuốc vô sinh) và có thể có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Tình trạng trầm cảm có thể tác động đến tâm lý và ngăn cản bệnh nhân hiếm muộn trong việc tìm kiếm giải pháp điều trị. Các yếu tố tâm lý liên quan độc lập đến kết quả điều trị trong IVF /ICSI, và do đó nên được tính đến trong tư vấn bệnh nhân trước khi bắt đầu tiến hành điều trị hỗ trợ sinh sản.
Điều này đóng vai trò quan trọng vì yếu tố tâm lý có thể được cải thiện nhờ can thiệp, trong khi một số yếu tố nguy cơ khác liên quan đến vô sinh hiếm muộn như yếu tố nhân khẩu học và một số yếu tố phụ khoa không cải thiện được.
3. Triệu chứng của trầm cảm
Thông thường, một người vẫn có những lúc buồn bã, chán nản. Tuy nhiên, khi những cảm xúc này kéo dài, tạo ra những biến đổi tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống, rất có thể đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Khi một người xuất hiện nhiều hơn 5 triệu chứng dưới đây, kéo dài từ 2 tuần trở lên, người đó đang được xem là đang mắc trầm cảm (DSM-5):
- Tâm trạng chán nản kéo dài.
- Mất hứng thú trong hầu hết các hoạt động hằng ngày, ngay cả những hoạt động mà trước đó từng ưa thích.
- Giảm/tăng cân không do cố tình điều chỉnh ăn uống hoặc bệnh lý khác.
- Ngủ nhiều hoặc thiếu ngủ.
- Cảm thấy dễ bị kích thích hoặc chậm chạp.
- Thiếu sức sống.
- Cảm giác bản thân vô giá trị, tội lỗi, mặc cảm.
- Giảm khả năng tập trung và suy nghĩ.
- Thường nghĩ đến cái chết hoặc tự sát.
4. Các phương pháp điều trị trầm cảm
Tư vấn:
Tốt nhất, nên tư vấn trước khi bệnh nhân bắt đầu điều trị vô sinh, vì một số nghiên cứu gợi ý rằng việc giải quyết các yếu tố tâm lý như trầm cảm, lo âu và căng thẳng có thể giúp tăng cơ hội sinh con. Các bác sĩ tâm thần có thể cung cấp thông tin về cách quản lý mệt mỏi, giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện giao tiếp với người khác.
Tâm lý trị liệu:
Các loại trị liệu cụ thể cũng có thể hữu ích. Ví dụ, các nghiên cứu đã kết luận rằng liệu pháp tương tác cá nhân và liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp giảm bớt trầm cảm từ nhẹ đến trung bình ở bệnh nhân vô sinh. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp tâm lý có thể hữu ích cho chứng lo âu hoặc trầm cảm dù được điều trị riêng lẻ, theo cặp vợ chồng hoặc trong một nhóm.
Kỹ thuật thư giãn:
Các chuyên gia khuyên dùng các kỹ thuật thư giãn khác nhau. Ví dụ, thiền chánh niệm, hít thở sâu…thúc đẩy quản lý căng thẳng.
Sử dụng thuốc:
Thuốc chống trầm cảm và thuốc giải lo âu rất hữu ích khi các triệu chứng từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, cần phải xem xét các nguy cơ của thuốc đến thai nhi đang phát triển khi phụ nữ dùng thuốc hướng thần. Ngoài ra, một số loại thuốc vô sinh có thể tương tác với thuốc hướng thần. Điều quan trọng là bệnh nhân cần gặp bác sĩ lâm sàng để cân nhắc trước quyết định dùng thuốc.
Bạn có thể liên hệ với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội qua hotline hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Đọc thêm: