NHỮNG BỆNH PHỤ KHOA THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

06/01/2023

Bệnh phụ khoa có đáng lo ngại?

Hầu hết mọi phụ nữ đều ít nhất một lần mắc bệnh phụ khoa trong đời. Nhiều bệnh phụ khoa có thể tái phát để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến vô sinh ở nữ giới. Vì vậy, hiểu rõ về những bệnh phụ khoa nữ thường gặp sẽ giúp chị em chủ động hơn trong việc phòng tránh và hạn chế tối đa hậu quả do bệnh gây ra.

1. Bệnh phụ khoa là gì?

Bệnh phụ khoa là tất cả các bệnh lý thuộc cơ quan sinh dục của người phụ nữ như:

– Âm hộ bao gồm môi lớn, môi bé, vùng tiền đình… là những phần có thể quan sát bên ngoài

– Âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, hệ thống dây chằng… Có thể quan sát và cảm nhận được qua việc thăm khám bằng mỏ vịt, bằng tay và siêu âm

Bệnh phụ khoa ở nữ khiến chị em khó chịu ở vùng kín, ngại gần gũi với bạn tình. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản với các biểu hiện như: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, ứ dịch vòi trứng, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng…

bệnh phụ khoa
Bệnh phụ khoa là những bệnh xuất hiện ở những cơ quan sinh sản của người phụ nữ

2. Nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh phụ khoa

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh lý ở cơ quan sinh dục nữ giới, cụ thể:

2.1. Quan hệ tình dục không lành mạnh

bệnh phụ khoa

Phụ nữ có nguy cơ bị bệnh rất cao nếu quan hệ không an toàn. Đặc biệt là với bạn tình đang mắc các bệnh viêm nhiễm nam khoa. Hơn nữa, khi quan hệ tình dục quá mạnh hoặc sai cách sẽ khiến vùng kín bị trầy xước. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Những loại vi khuẩn, virus lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ không an toàn gồm có Chlamydia, lậu, giang mai, trichomonas (trùng roi), các vi khuẩn kị khí, virus herpes sinh dục, nấm,… Những tác nhân này sẽ xâm nhập vào biểu mô âm đạo làm mất cân bằng hệ vi sinh. Đồng thời suy giảm chức năng đề kháng của âm đạo.

2.2. Nạo phá thai

bệnh phụ khoa
Nạo phá thai ở các cơ sở không uy tín, kém chất lượng, phòng phẫu thuật không được vô trùng đúng cách hay các dụng cụ y tế lạc hậu, chưa tiệt trùng kỹ lưỡng, bác sĩ thực hiện không có nhiều kinh nghiệm,… là các nguyên nhân dẫn đến viêm phụ khoa. Ngoài ra sau khi phá thai, việc chăm sóc vùng kín không tốt cũng sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển, gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Theo các chuyên gia, sau khi nạo phá thai, các cơ quan sinh sản của phụ nữ rất yếu. Việc quan hệ tình dục quá sớm sau khi phá thai cũng sẽ khiến cho âm đạo, tử cung dễ bị tổn thương và dễ mắc các bệnh phụ khoa hơn bình thường.

2.3. Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, căng thẳng và không nghỉ ngơi hợp lý

bệnh phụ khoa

Căng thẳng, stress khiến cơ thể tiết ra loại hoóc môn làm mất cân bằng nội tiết, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sinh lý của nữ giới, cụ thể như: làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chậm kinh, thay đổi môi trường vi sinh vật và PH âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các căn bệnh nữ phát triển.

Thực phẩm dầu mỡ, cay nóng hay chất kích thích cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa.

2.4. Vệ sinh vùng kín kém sạch sẽ

Âm đạo là môi trường ẩm ướt và là nơi ẩn náu lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn và nấm gây bệnh. Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hoặc không đúng cách sẽ dễ mắc bệnh phụ khoa.

Ngoài ra, bệnh phụ khoa ở nữ cũng có thể gây ra bởi các nguyên nhân như sử dụng quần lót quá chật, do mãn kinh, sức khỏe giảm sút, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay do dị ứng với một số chất tẩy rửa…

11 bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ

Thông thường, phần lớn chị em phụ nữ sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đều. Phụ nữ có rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh kéo dài hoặc và ra máu kinh nhiều… cần nên đi thăm khám sớm. Bên cạnh đó, một số biểu hiện như đau rát vùng kín, khí hư bất thường, âm đạo có mùi… cũng là biểu hiện của bệnh phụ khoa chị em cần lưu ý.

1. Viêm sinh dục

Viêm âm đạo, âm hộ là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân do sự mất cân bằng môi trường vi khuẩn ở trong âm đạo. Các vi khuẩn không có lợi phát triển và dẫn đến các bệnh lý viêm nhiễm. Bên cạnh đó, một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày có thể gia tăng bệnh lý viêm nhiễm như vệ sinh vùng kín không đúng cách (nhiều chị em có thói quen ngâm hay rửa vùng kín từ hướng ngược đằng sau ra đằng trước, điều đó vô tình làm vi khuẩn có sẵn từ hậu môn xâm nhập vào vùng kín)…

Biểu hiện cụ thể:

  • Khí hư ra nhiều, có màu vàng, xanh và có mùi bất thường;
  • Âm đạo có mùi, ngứa rát và đau, có thể có mụn bất thường;
  • Đau vùng kín khi quan hệ, ngứa rát khi đi tiểu.

2. U xơ tử cung

Đây là loại khối u hay gặp ở tử cung, đa phần là lành tính và thường gặp ở phụ nữ từ 35-50 tuổi hoặc trẻ hơn. Vị trí u xơ tử cung có thể ở dưới thanh mạc, trong cơ hoặc dưới niêm mạc, kích thước khác nhau. Tùy vào vị trí và kích thước có thể có biểu hiện khác nhau: u xơ lấn vào lòng tử cung có thể gây chảy máu bất thường dẫn đến tình trạng rong kinh, rong huyết, hoặc u xơ to có thể chèn ép các cơ quan xung quanh như bàng quang, trực tràng gây tiểu lắt nhắt, tiểu khó, táo bón …

Một số u xơ tử cung có khả năng tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai hoặc ngôi thai bất thường…

Biểu hiện cụ thể:

  • Kinh nguyệt không đều, máu kinh ra nhiều, xuất huyết bất thường…;
  • Đau bụng dưới;
  • Khí hư ra nhiều;
  • Đi tiểu nhiều lần;
  • Táo bón;
  • Đau và có chảy máu khi quan hệ tình dục.

3. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một khối u xuất phát từ buồng trứng có chưa dịch lỏng hoặc đặc hoặc hỗn hợp. U nang buồng trứng có thể là nang chức năng hoặc u nang thực thể. Nang chức năng thường thường sẽ tự biến mất còn u nang buồng trứng thực thể là khối u có thể tiến triển âm thầm, khi kích thước khối u to có thể chèn ép các tạng lân cận gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Biểu hiện cụ thể:

  • Cảm giác nặng nề, căng tức ở vùng bụng dưới;
  • Đau vùng chậu, đau lưng;
  • Quá trình đại tiện và tiểu tiện gặp một số khó khăn;
  • Đau khi gần gũi với bạn tình;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau trong chu kỳ kinh;
  • Xuất huyết âm đạo bất thường…

4. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Đây là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Viêm lộ tuyến cổ tử cung hình thành do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phía dưới lớp tế bào phát triển ra ngoài, dẫn đến tình trạng tăng tiết dịch âm đạo. Từ đó, những vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào gây viêm nhiễm

Biểu hiện cụ thể:

  • Khí hư ra nhiều bất thường, có màu xanh hoặc vàng, có mùi khó chịu ở vùng kín. Đau ở vùng bụng dưới, đau ở thắt lưng, cảm giác mệt mỏi.
  • Tiểu rắt, tiểu nhiều lần;
  • Rối loạn kinh nguyệt.

5. Polyp cổ tử cung

Đây là những khối u phát triển trên cổ tử cung có kích thước từ vài mm đến vài cm. Polyp cổ tử cung thường có cuống và dễ chảy máu khi chạm vào. Nó lành tính, không nguy hiểm và ít ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh em bé sau này. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp, polyp cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư.

Biểu hiện cụ thể:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường. Thường ra máu bất thường sau khi quan hệ, ra khi thụt rửa âm đạo, ra máu giữa chu kỳ kinh hoặc sau mãn kinh;
  • Tăng dịch tiết âm đạo;

6. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là do các tế bào ở cổ tử cung tăng sinh và phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể. Các tế bào mới này phát triển nhanh chóng có thể xâm lấn và lan tràn các cơ quan xung quanh ngoài cổ tử cung.

Hầu hết nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm trùng papillomavirus (HPV). Hiện nay có rất nhiều loại HPV được phát hiện ra. Một số loại virus HPV có nguy cơ cao như chủng 16, 18, 6, 11… có khả năng gây ra các bệnh như ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và dương vật, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục…

Biểu hiện cụ thể:

  • Ra dịch hoặc xuất huyết bất thường ở vùng kín;
  • Đau vùng chậu, đau lưng;
  • Sưng phù chân;
  • Tiểu tiện bất thường;
  • Khi ung thư đã lan đến các cơ quan khác hoặc các hạch bạch huyết, khối u có thể chèn ép và làm ảnh hưởng đến các cơ quan đó. Ví dụ như khối u sẽ đè lên, chèn ép bàng quang và làm tắc tĩnh mạch.

7. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc ở tử cung được tìm thấy ở bên ngoài tử cung của phụ nữ. Bệnh thường gây đau đớn cho phụ nữ khi có chu kỳ kinh cũng như có thể dẫn đến vô sinh do làm tổn thương ống dẫn trứng và buồng trứng dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và ảnh hưởng sự phóng noãn.

Biểu hiện cụ thể:

  • Những cơn đau vùng chậu xuất hiện trong thời gian người phụ nữ hành kinh. Tần suất cơn đau sẽ tăng theo thời gian, uống thuốc giảm đau cũng không bớt triệu chứng;
  • Vùng thắt lưng và vùng bụng thường xuyên đau mỏi;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau ngay cả khi đại tiện, tiểu tiện trong thời gian hành kinh;
  • Người bệnh mệt mỏi, rối loạn về tiêu hoá, hay bị tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn, đặc biệt các triệu chứng này xuất hiện nhiều khi hành kinh;

8. Rối loạn sàn chậu

Bệnh lý sàn chậu là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ đã trải qua quá trình mang thai, sinh nở, người thiếu hụt nội tiết ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh. Rối loạn sàn chậu xảy ra khi cơ thể phải tiếp nhận sức nặng khi mang thai. Áp lực căng giãn của cuộc sinh khiến chức năng cơ sàn chậu hoạt động kém hiệu quả ngay từ trong thai kỳ cho đến sau sinh.

Biểu hiện cụ thể:

  • Rối loạn đi tiểu: người bệnh thường gặp một số vấn đề như són tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, khó tiểu hay tiểu về đêm;
  • Rối loạn đại tiện, người bệnh thường đi đại tiện có són phân, táo bón, đau hậu môn khi mắc đại tiện, đại tiện nhiều lần…
  • Rối loạn sinh hoạt tình dục: giãn rộng âm đạo, giao hợp không có hoặc giảm cảm giác, hoặc đau không giao hợp được.

9. Buồng trứng đa nang

Đây là một bệnh lý phụ khoa liên quan đến rối loạn hệ thống các cơ quan nội tiết, chuyển hóa và tâm lý. Người mắc buồng trứng đa nang  đối mặt với nguy cơ giảm khả năng sinh sản. Cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Bệnh có thể gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, rối loạn phóng noãn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ ở bên trong buồng trứng.

Biểu hiện cụ thể:

  • Kinh nguyệt không đều: Người bệnh có thể bị mất kinh nguyệt trong nhiều tháng liền do quá trình rụng trứng gặp trục trặc, niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng;
  • Lông tóc phát triển, có hiện tượng rậm lông: Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang gặp tình trạng này. Một số ít người bệnh mắc phải tình trạng ngược lại là rụng tóc, hói đầu, nang tóc yếu… điều này xuất phát từ sự tăng lên của các hormone nam trong cơ thể;
  • Béo phì;
  • Da mặt tăng tiết dầu, xuất hiện nhiều mụn trứng cá và da sạm hơn;
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu;
  • Cảm giác đau, tức và khó chịu nhiều ở vùng chậu.

10. Tắc vòi trứng

Tắc vòi trứng là căn bệnh phụ khoa phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ vô sinh nữ không ngừng tăng lên. Theo thống kê thì có tới 40% tỷ lệ nữ giới mắc vô sinh – hiếm muộn, mang thai ngoài tử cung đến từ nguyên nhân tắc vòi trứng và viêm ống dẫn trứng.

Biểu hiện cụ thể:

  • Đau vùng bụng: người bệnh có cảm giác đau bụng, đau lưng, bụng chướng sưng lên kèm theo các triệu chứng về rối loạn tiểu tiện như tiểu gấp, tiểu liên tục;
  • Kinh nguyệt không đều;
  • Khí hư ra nhiều gây ẩm ướt, dễ viêm nhiễm, đau và khó chịu khi quan hệ tình dục, mệt mỏi, rối loạn chức năng tiêu hóa;
  • Rối loạn kinh nguyệt.

11. Bệnh lây qua đường tình dục

Hay trong tiếng anh còn gọi là Sexually transmitted diseases – STDs. Bệnh hình thành từ sự lây lan các vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng từ người này qua người khác thông qua đường quan hệ tình dục không an toàn.

Một số bệnh lây qua đường tình dục phổ biến như giang mai, lậu, sùi mào gà…

Phòng tránh các bệnh phụ khoa nguy hiểm

Có một thực tế là nhiều chị em có tâm lý e ngại khi bị bệnh phụ khoa nên trì hoãn thăm khám. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến viện khiến việc điều trị sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Bệnh viêm nhiễm phụ khoa hoàn toàn có thể điều trị với thuốc. Tuy nhiên nếu chị em không đi thăm khám sớm khi triệu chứng ở giai đoạn mới xuất hiện, bệnh có thể có những biến chứng trở nặng. Do vậy, phụ nữ hãy tự bảo vệ mình để phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe từ bệnh lý phụ khoa.

Để phòng tránh các bệnh phụ khoa chị em cần chú ý từ chế độ sinh hoạt, lối sống và dinh dưỡng. Một số biện pháp phòng tránh bệnh phụ khoa hiệu quả như:

Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh

Việc quan hệ tình dục an toàn giúp phòng tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su khi quan hệ là phương pháp hiệu quả vừa có tác dụng tránh thai, vừa ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bên cạnh đó cần chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước và sau khi quan hệ. Tuân thủ chế độ một vợ, một chồng, không quan hệ quá thô bạo hoặc có các quan hệ ngoài luồng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vệ sinh vùng kín đúng cách

Việc vệ sinh vùng kín đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của chị em. Một số lưu ý về vệ sinh vùng kín các chị em cần lưu ý như:

  • Tắm rửa và thay quần lót thường xuyên. Vệ sinh nhẹ nhàng âm hộ với nước sạch sau mỗi lần đi tiểu tiện hoặc đại tiện. Không nên rửa vùng kín liên tục tránh để bị khô, không tiết dịch và khó khăn khi quan hệ.
  • Tránh thụt rửa sâu, không nên ngâm cô bé ở trong nước lâu. Chú ý thực hiện thao tác vệ sinh từ trước ra sau. Tránh thao tác ngược vi khuẩn có sẵn ở hậu môn sẽ xâm nhập vào cô bé.
  • Không sử dụng xà bông vì sẽ dễ làm mất cân bằng độ ẩm vùng kín. Bên cạnh đó việc sử dụng các chất vệ sinh không phù hợp vô tình tiêu diệt các lợi khuẩn và tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển.
  • Cần thay băng vệ sinh thường xuyên, tối đa 4 giờ/lần khi đang ở trong chu kỳ. Bên cạnh đó quần lót cũng cần được thay thường xuyên.

Chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp

Chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý sẽ phòng ngừa hiệu quả nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Bạn có thể bổ sung cho cơ thể các thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó rèn luyện thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc và tập thể thao hàng ngày.

Khám phụ khoa định kỳ

Hãy xem việc khám phụ khoa định kỳ là một thói quen cần có trong cuộc sống của bạn. Gạt bỏ tâm lý e ngại khi thăm khám tránh để bệnh tiến triển nặng ảnh hưởng đến sức khỏe. Phụ nữ đã quan hệ hay phụ nữ độc thân chưa quan hệ tình dục nên đi khám định kỳ. Nhờ đó có thể phát hiện các bệnh lý vùng âm hộ, âm đạo và bệnh lý ở tử cung, buồng trứng.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN