Quá trình chuyển phôi và những điều mà bạn cần lưu ý

16/01/2023

Chuyển phôi là một bước cuối cùng trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Là một kỹ thuật quan trọng đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế, yêu cầu bác sĩ phải được đào tạo và có kinh nghiệm.Vậy quá trình chuyển phôi diễn ra như thế nào, người bệnh cần chuẩn bị và lưu ý những gì trước khi chuyển? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Chuyển phôi là gì?

quá trình chuyển phôi
Chuyển phôi là một bước cuối cùng trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Chuyển phôi là một thủ thuật nằm trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), trong đó phôi thai sau khi nuôi cấy được đưa vào tử cung của người mẹ. Phôi này được nuôi đến ngày 3, ngày 5; có thể là phôi tươi, hoặc phôi trữ lạnh đã được tạo ra ở chu kỳ trước đó.

Quá trình chuyển phôi IVF sẽ được thực hiện vào khoảng ngày 18 – 20 của chu kỳ kinh nguyệt khi niêm mạc tử cung của người mẹ đạt độ dày chuẩn (9 – 10mm) và sức khỏe của người mẹ tốt, sẵn sàng cho việc mang thai.

Thủ thuật này xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1984. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học thế giới cũng như sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, quy trình chuyển phôi không còn gây đau đớn và tác động nhiều lên tử cung người mẹ.

Mục đích của quá trình chuyển phôi

Sau khi chuẩn bị nội mạc và những điều kiện cần thiết cho phôi làm tổ, bác sĩ sẽ tiến hành đưa vào buồng tử cung. Chuyển phôi được xem là kỹ thuật quan trọng trong quy trình thụ tinh ống nghiệm – được áp dụng trong các trường hợp:

  • Vô sinh do rối loạn phóng noãn, tắc hoặc tổn thương vòi trứng, đã cắt bỏ vòi trứng…
  • Vô sinh do các bệnh lý tại buồng tử cung như lạc nội mạc trong cơ tử cung, u xơ tử cung.
  • Vô sinh do tinh trùng yếu, tinh trùng ít hoặc xuất tinh ngược, không có tinh trùng trong tinh dịch…
  • Cặp vợ chồng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ở người vợ suy giảm.
  • Áp dụng phương pháp bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.
  • Vô sinh – hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân.
  • Các cặp vợ chồng mang gen bệnh như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.

Quá trình chuyển phôi diễn ra như thế nào?

Quá trình chuyển phôi được chia thành 3 giai đoạn trước, trong và sau chuyển phôi. Cụ thể như sau:

Trước chuyển phôi

1.Chuẩn bị niêm mạc tử cung

Bệnh nhân đến khám vào ngày 2 của chu kỳ kinh. Bác sĩ sẽ siêu âm để đánh giá lại tử cung và buồng trứng. Nếu siêu âm bình thường thì Estrogen được bắt đầu sử dụng vào ngày 2 chu kỳ kinh. Sau đó hẹn khám lại vào ngày 10 của chu kỳ.

Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống. Nhiều trường hợp có thể chỉ định tiêm, đặt âm đạo hoặc dán qua da.

Tác dụng của Estrogen nhằm kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, ức chế sự rụng trứng tự nhiên.

Tại ngày 10 chu kỳ kinh bác sĩ sẽ đánh giá lại độ dày và hình thái niêm mạc tử cung cũng như hai buồng trứng từ đó có thể điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp và hẹn ngày đến khám lại. Thông thường là sau 3 -5 ngày.

2. Sử dụng progesterone

Khi nội mạc tử cung đạt độ dày thích hợp (8 – 12mm), bạn bắt đầu sử dụng Progesterone nhằm chuyển pha niêm mạc tạo điều kiện thích hợp cho sự làm tổ của phôi.

Progesterone được khuyên dùng đặt âm đạo vì sẽ có tác dụng trực tiếp đến tử cung. Ngoài ra bác sĩ có thể bổ sung thêm đường uống hoặc tiêm.

Sử dụng Progesterone trước chuyển phôi 3 – 5 ngày  tùy giai đoạn của phôi trữ.

3. Chuẩn bị phôi

Sau thời gian sử dụng Estrogen và Progesterone, người phụ nữ được kiểm tra xác định niêm mạc tử cung, tình trạng sức khỏe đã đủ điều kiện để chuyển phôi hay mang thai chưa. Trong trường hợp, người phụ nữ có thể chuyển phôi trong chu kỳ này, bác sĩ sẽ tư vấn và thống nhất với bệnh nhân ngày chuyển phôi, chất lượng phôi, số lượng phôi chuyển đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất và hạn chế tối đa nguy cơ đa thai.

Chuyển phôi

quá trình chuyển phôi
Quá trình chuyển phôi được chia thành 3 giai đoạn trước, trong và sau chuyển phôi.

Bệnh nhân đến đúng giờ theo hẹn (thường là đến trước 1 giờ ) bệnh nhân sẽ được truyền thuốc giảm co bóp tử cung, nhịn tiểu, Và được nằm trên bàn ở tư thế sản khoa.

Bệnh nhân được điều dưỡng viên và chuyên viên phôi đối chiếu lại thông tin người bệnh với thông tin phôi để đảm bảo chắc chắn chính xác, không có nhầm lẫn. Điều dưỡng viên mang găng tay vô khuẩn sau đó vệ sinh tử cung người phụ nữ bằng cách đặt mỏ vịt, lau cổ tử cung bằng tăm bông và môi trường nuôi cấy IVF.

Bác sĩ phụ siêu âm đường bụng giúp bác sĩ chuyển phôi quan sát được niêm mạc tử cung, cổ tử cung, tư thế tử cung. Bác sĩ đưa Catheter ngoài qua lỗ trong cổ tử cung.

Chuyên viên phôi cho bệnh nhân nhìn để xác định lại thông tin của mình và thông tin phôi trên màn hình. Khi bệnh nhân xác nhận đúng thông tin chuyên viên phôi sẽ phóng to hình ảnh phôi để bệnh nhân xác nhận số lượng chuyển. Sau đó phôi sẽ được hút vào catheter và chuyển cho bác sĩ.

Bác sĩ đưa nhẹ nhàng catheter trong có chứa phôi qua catheter ngoài để vào buồng tử cung. Bơm từ từ phôi vào buồng tử cung cách đáy tử cung.

Catheter trong được rút ra sau đó và được bác sĩ nuôi cấy phôi kiểm tra độ sạch của catheter (có nhầy, có máu hoặc sót phôi). Cuối cùng, bác sĩ rút catheter ngoài, tháo mỏ vịt và hoàn tất quy trình.

Sau khi chuyển phôi

  • Khách hàng nhận phiếu kết quả phôi và card đông phôi (nếu có).
  • Lưu viện 1-2h rồi về nhà. Không cần thiết nằm bất động hoặc nghỉ lâu dự phòng tắc mạch và bí tiểu.
  • Tư vấn, giáo dục sức khỏe:
  • Cách dùng thuốc: Bệnh nhân chỉ nên dùng các loại thuốc được kê đơn bởi bác sĩ điều trị trực tiếp. Không nên tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Các loại thuốc dùng tuân thủ đúng: đường dùng, liều dùng, thời gian …
  • Chế độ ăn uống: Nên duy trì chế độ ăn uống bình thường. Chỉ nên kiêng những chất quá cay nóng, chất kích thích mạnh. Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.

Các dấu hiệu bất thường (đau bụng, ra máu âm đạo, bí tiểu, táo bón, sốt…) nên gặp bác sĩ điều trị để tư vấn và có hướng điều trị thích hợp.

  • Thử thai khi nào: Sau 12-14 sau chuyển phôi bằng xét nghiệm HCG. Không khuyến khích thử thai bằng quickstick hoặc thử máu quá sớm.
Những triệu chứng bạn có thể gặp phải sau quá trình chuyển phôi bao gồm:
quá trình chuyển phôi
Triệu chứng sau chuyển phôi bạn có thể gặp: buồn nôn, buồn nôn hoa mắt chóng mặt.
  • Cảm thấy co thắt và nặng vùng bụng;
  • Cảm thấy buồn nôn, trường hợp này hãy thử uống nước lọc và ăn thức ăn nhẹ

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn sử dụng trong 14 ngày sau quá trình chuyển phôi. Bạn nên tuân thủ đúng liều lượng dùng thuốc mà bác sĩ hướng dẫn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kèm các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bạn nên đi lại và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày nhẹ nhàng. Hạn chế việc đi cầu thang, tránh vận động mạnh và các hoạt động thể lực có cường độ cao như chạy bộ, aerobic cho đến khi bạn thử thai. Tuy nhiên, không nên nằm yên một chỗ. Bạn nên tập các bài tập nhẹ nhàng để phòng ngừa nguy cơ hình thành các huyết khối tĩnh mạch.

Bạn không nên quan hệ vợ chồng cho đến khi thử thai. Nếu thử thai dương tính, bạn nên kiêng quan hệ cho đến khi xác định có thai bằng siêu âm.

Khi gặp các dấu hiệu sau, bạn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và can thiệp kịp thời:
  • Khó thở;
  • Đau bụng;
  • Tiểu ít;
  • Tăng cân nhanh;
  • Ra huyết âm đạo;
  • Sốt trên 38.3 độ C;
  • Buồn nôn, nôn kéo dài trên 24 giờ.

Các hình thức chuyển phôi

Trong thụ tinh ống nghiệm (IVF), phôi thai được tạo thành sau khi nuôi cấy và chuyển vào tử cung người mẹ được gọi là chuyển phôi tươi. Còn phôi sau khi tạo thành được trữ lạnh. Sau đó mới chuyển vào tử cung người mẹ được gọi là chuyển phôi đông lạnh.

Hiệu quả mang thai giữa hai kỹ thuật chuyển phôi tươi và phôi đông lạnh là như nhau. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng điều trị hiếm muộn thường ủng hộ sử dụng phôi đông lạnh hơn vì nhiều ưu điểm sau:
  • Sau kích thích buồng trứng, nội tiết bên trong cơ thể bạn sẽ tăng cao hơn so với bình thường. Vì thế mà không đủ điều kiện làm tổ của phôi thai. Do đó, phôi đông lạnh sẽ là giải pháp cho các trường hợp cơ thể bạn chưa hồi phục do lo lắng, sợ hãi, tâm lý chưa ổn định sau chọc hút trứng.
  • Các trường hợp bị quá kích buồng trứng, dịch trong buồng tử cung hoặc kết quả xét nghiệm Progesterone ngày trigger lớn hơn 1,5ng/ml… thì buộc phải dùng phôi đông lạnh.
  • Việc đông lạnh phôi sẽ mở ra nhiều cơ hội đậu thai hơn với số phôi còn dư.
  • Kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh giúp tiết kiệm chi phí điều trị. Hạn chế tối đa số lần tiến hành kích thích buồng trứng, sức khỏe của bạn được đảm bảo hơn. Với số phôi trữ lạnh, các cặp đôi có thêm thời gian thu xếp công việc cũng như tài chính để chuẩn bị điều trị.

Với phương pháp chuyển phôi đông lạnh, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để chuẩn bị lớp niêm mạc tử cung đạt độ dày chuẩn nhất. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho phôi làm tổ.

Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể cũng như sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ có tư vấn nên chọn phương án tốt nhất.

Các rủi ro có thể gặp trong quá trình chuyển phôi

Bạn có thể bị chảy máu âm đạo, thay đổi dịch tiết âm đạo hoặc bị nhiễm trùng. Nguy cơ sảy thai tương tự giống như trong thụ thai tự nhiên.

Rủi ro lớn nhất khi chuyển nhiều phôi chính là khả năng mang đa thai. Theo thống kê, tỷ lệ mang đa thai trong thụ tinh ống nghiệm là khoảng 25%. Cao gấp 20 lần so với tỷ lệ mang đa thai ở các ca thụ thai tự nhiên. Việc mang đa thai sẽ gây nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Do đó, chủ động giảm số phôi sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ mang đa thai.

Chuyển phôi là phương pháp hỗ trợ sinh sản mang lại hy vọng được làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng không may bị vô sinh hiếm muộn. Bên cạnh tập trung thực hiện chuyển phôi, bạn cũng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cũng như thực hiện nghỉ ngơi và vận động hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhờ vậy mà có thể tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công ngay lần đầu tiên.

Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể nhấn đặt lịch khám ngay. Hoặc đến trực tiếp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được tư vấn kĩ lưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN