26/01/2023
Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán y khoa bằng hình ảnh khá phổ biến hiện nay, giúp theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, sẽ rất khó để bố mẹ có thể hiểu được những thông tin, những kết quả siêu âm hiển thị trên phiếu siêu âm mà bác sĩ không đề cập…
Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là một dạng kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của thai nhi cũng như nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu. Phương pháp y khoa này cho phép các bác sĩ phụ sản thu thập thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.
Phân loại siêu âm thai
Có 5 loại siêu âm thai, bao gồm:
- Siêu âm qua ngã âm đạo
- Siêu âm qua thành bụng
- Siêu âm 2D, 3D, 4D
- Siêu âm Doppler
- Siêu âm tim thai
Quá trình siêu âm
Trong quá trình kiểm tra, máy siêu âm truyền các sóng âm qua tử cung và cơ thể của thai nhi sẽ phản xạ lại sóng này. Sau đó, máy tính sẽ dịch sóng âm thanh, tái tạo thành hình ảnh và video cho thấy hình dạng, vị trí và các cử động của em bé trong bụng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cầm tay có sóng siêu âm khi khám thai để nghe nhịp tim của thai nhi.
Thông thường, siêu âm cơ bản sẽ mất khoảng từ 15 – 20 phút. Nhìn chung, quy trình sẽ bao gồm các bước sau:
- Mẹ bầu sẽ nằm trên giường mềm và kéo áo lên để lộ bụng.
- Bác sĩ sẽ thoa lên vùng bụng một loại gel mỏng.
- Máy tính sẽ dịch kết quả âm thanh thành hình ảnh trên màn hình và bạn sẽ thấy em bé.
Tuy nhiên, đối với những lần kiểm tra chi tiết như đo độ dài của các bộ phận, tầm soát dị tật… bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị phức tạp hơn và sẽ mất khoảng 30 phút hoặc hơn để hoàn thành việc siêu âm. Hiện nay, các mẹ bầu có thể lựa chọn thực hiện siêu âm thai 2D, 3D, 4D hay siêu âm Doppler màu.
Siêu âm thai mang đến cho mẹ bầu nhiều lợi ích, tùy vào từng giai đoạn
Trong tam cá nguyệt thứ nhất
- Siêu âm thai nhằm xác nhận bạn đã có thai.
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi: Bác sĩ hoặc chuyên viên kỹ thuật sẽ sử dụng máy Doppler cầm tay để nghe nhịp tim của thai nhi nhằm phát hiện các vấn đề bất thường.
- Biết được ngày dự sinh: Một số nghiên cứu đã kết luận rằng siêu âm giúp chẩn đoán ngày dự sinh chính xác cũng như giảm nguy cơ sinh muộn hơn.
- Kiểm tra nhau thai, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung.
- Chuẩn đoán thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung sẽ có các triệu chứng riêng như đau bụng, chảy máu và xuất hiện từ tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ nhưng siêu âm thai sẽ giúp mẹ bầu loại bỏ được các biến chứng hay xác nhận rằng đang gặp phải tình trạng này.
- Xác định những bất thường ở thai nhi.
Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
- Theo dõi quá trình phát triển thể chất và vị trí của thai nhi.
- Xác định đa thai: Một số phụ nữ mang thai đôi không có bất kỳ dấu hiệu nào. Vì vậy, siêu âm thai là một cách để xác định rõ ràng tình trạng đa thai.
- Kiểm tra những bất thường ở nhau thai.
- Phát hiện khả năng thai nhi gặp phải hội chứng Down.
- Kiểm tra tình trạng nước ối: Các hình ảnh siêu âm sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng nước ối của mẹ bầu, liệu mẹ bầu có bị đa ối hay thiếu ối không, và qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi.
- Đo chiều dài cổ tử cung để xác định mẹ bầu có gặp phải tình trạng cổ tử cung ngắn hay không.
Theo các bác sĩ sản khoa, trong suốt thai kỳ, phụ nữ mang thai cần thực hiện ít nhất 3 lần siêu âm để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, mẹ bầu có thể phải siêu âm thường xuyên hơn nếu bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp hoặc gặp các biến chứng khác về sức khỏe.
Ký hiệu các chỉ số quan trọng và phổ biến trong kết quả siêu âm
- CRL là chữ viết tắt của Crown Rump Length – Chiều dài đầu mông.
- FL là chữ viết tắt của Femur Length – Chiều dài xương đùi.
- BPD là chữ viết tắt của Biparietal Diameter – Đường kính lưỡng đỉnh. Đây là đường kính lớn nhất ở mặt cắt vòng của đầu em bé.
- GA là chữ viết tắt của Gestational Age – Tuổi thai. Thông thường, tuổi thai sẽ được tính bắt đầu từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối.
- GSD là chữ viết tắt của Gestational Sac Diameter – Đường kính túi thai. Chỉ số này được đo trong những tuần đầu của thai kỳ lúc thai chưa có sự hình thành các cơ quan.
- EFW là chữ viết tắt của Estimated Fetal Weight – Khối lượng thai ước đoán.
Một số ký hiệu khác trong kết quả siêu âm thai
- TTD là chữ viết tắt của Transverse Trunk Diameter – Đường kính ngang bụng.
- APTD là chữ viết tắt của Anterior Posterior Thigh Diameter – Đường kính trước và sau bụng.
- HC là chữ viết tắt của Head Circumference – Chu vi đầu.
- AF là chữ viết tắt của Amniotic Fluid – Nước ối.
- OFD là chữ viết tắt của Occipital Frontal Diameter – Đường kính xương chẩm.
- BD là chữ viết tắt của Binocular Distance – Khoảng cách hai mắt.
- CER là chữ viết tắt của Cerebellum Diameter – Đường kính tiểu não.
- THD là chữ viết tắt của Thoracic Diameter – Đường kính ngực.
- TAD Transverse Abdominal Diameter – Đường kính cơ hoành.
- EDD là chữ viết tắt của Estimated Date Of Delivery – Ngày sinh ước đoán.
- FTA là chữ viết tắt của Fetal Trunk Cross – Sectional Area – Tiết diện ngang thân thai.
- HUM là chữ viết tắt của Humerus Length – Chiều dài xương cánh tay.
Các thuật ngữ có liên quan
- LMP là chữ viết tắt của Last Menstrual Period – Giai đoạn kinh nguyệt cuối.
- BBT là chữ viết tắt của Basal Body Temperature – Nhiệt độ cơ thể cơ sở.
- FBP là chữ viết tắt của Fetal Biophysical Profile – Sơ lược tình trạng sinh lý của thai.
- FG là chữ viết tắt của Fetal Growth – Sự phát triển của thai.
- OB/GYN là chữ viết tắt của Obstetrics/Gynecology – Sản/phụ khoa.
- FHR là chữ viết tắt của Fetal Heart Rate – Nhịp tim thai.
- FM là chữ viết tắt của Fetal Movement – Sự di chuyển của thai.
- FBM là chữ viết tắt của Fetal Breathing Movement – Sự dịch chuyển hô hấp.
- PL là chữ viết tắt của Placenta Level – Đánh giá mức độ nhau thai.
Theo dõi chỉ số thai nhi để làm gì?
Trước khi đọc kết quả các chỉ số thai nhi mẹ cần phải biết những con số đó là gì? Vì sao phải theo dõi?
Chỉ số thai nhi là sự thay đổi các con số bao gồm đường kính túi thai, chiều dài đầu – mông, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng, chu vi đầu và cân nặng theo ước tính,… Các chỉ số thai nhi sẽ được xác định thông qua những ký hiệu viết tắt. Hiểu được các con số này và theo dõi những biến động của chúng qua những lần siêu âm thai chính là cách giúp mẹ kiểm tra quá trình phát triển, lớn lên theo từng giai đoạn của em bé trong bụng.
Bảng đo chỉ số thai nhi tham khảo
Trong những lần khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ siêu âm và báo cho mẹ kết quả siêu âm. Các chỉ số siêu âm thai nhi về đường kính lưỡng đỉnh, chu vi bụng, chu vi đầu và chiều dài xương đùi lớn hay nhỏ hơn so với các chuẩn đã được thống kê. Sự sai lệch này có thể xảy ra do thiết bị siêu âm. Hoặc cũng có thể do chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu và do đặc điểm riêng của thai nhi.
Tại sao thai phụ cần siêu âm thai giai đoạn sớm thai kỳ?
Thai phụ cần siêu âm thai giai đoạn sớm thai kỳ nhằm:
- Đánh giá thai trong tử cung hay ngoài tử cung
- Đánh giá xem có tim thai chưa
- Đánh giá số lượng thai
- Dự kiến sinh
- Đánh giá những bất thường tử cung và phần phụ
- Siêu âm đánh giá nguyên nhân ra máu âm đạo
Nếu kết quả siêu âm thai có vấn đề thai phụ sẽ phải làm gì?
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện dị tật nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Trên đây là một số thông tin về siêu âm thai và các chỉ số của thai nhi. Mẹ bầu cần phải nắm rõ để theo dõi quá trình phát triển của con trong bụng.
Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành Sản khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm nhiệt tình khám, tư vấn và điều trị kĩ lưỡng, cùng đầy đủ trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trở thành lựa chọn hàng đầu được các chị em tin tưởng với các vấn đề liên quan đến sinh sản. Bạn có thể nhấn vào nút đặt lịch khám để đặt khám ngay hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được các y bác sĩ tư vấn và chăm sóc.