Triple test là gì và nên thực hiện xét nghiệm lúc nào?

12/01/2023

Triple test là xét nghiệm gì?

Đối với phụ nữ mang thai, triple test là xét nghiệm cần thiết. Nằm trong nhóm xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi, giúp tầm soát trước sinh và phát hiện nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh ở em bé.

Xét nghiệm Triple Test hay còn gọi là xét nghiệm bộ 3 dựa trên phân tích máu mẹ để định lượng 3 nhóm chất:

  • AFP (Alpha-fetoprotein).
  • Β-hCG (Beta Human Chorionic Gonadotropin).
  • uE3 (Unconjugated estriol).

Đây là xét nghiệm không xâm lấn, hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai.

Quy trình bao gồm thu thập thông tin của mẹ bé, lấy máu và gửi đến phòng xét nghiệm. Kết quả có thể nhận được sau 3 – 5 ngày làm việc.

Tất cả thai phụ đều được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi. Đặc biệt các trường hợp nguy cơ cao cần được xét nghiệm:
  • Gia đình đã từng có tiền sử dị tật bẩm sinh.
  • Thai phụ lớn tuổi (trên 35).
  • Nhiễm 1 số virus có thể gây dị tật trong thời gian mang thai.
  • Thai phụ sử dụng chất kích thích hoặc thuốc có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi.
  • Thai phụ sống hoặc làm việc trong môi trường độc hại.
  • Thai phụ từng mang thai và sảy thai không rõ nguyên do.
  • Thai phụ mắc bệnh tiểu đường trước mang thai và sử dụng insulin

Để đưa ra chẩn đoán chính xác, cần xem xét cả kết quả xét nghiệm lẫn các yếu tố khác. Chẳng hạn như tuổi mẹ, tiền sử bệnh lý, cân nặng, chiều cao, mang đơn hay đa thai, tuổi thai, tiền sử bệnh lý.

triple test
Đối với phụ nữ mang thai, triple test là xét nghiệm cần thiết

Nên thực hiện xét nghiệm ở tuần thứ mấy?

Triple test được thực hiện khi thai nhi được 15 – 20 tuần tuổi. Để có kết quả chính xác nhất thì nên thực hiện xét nghiệm vào tuần thai thứ 16 – 18.

Triple test có ý nghĩa như thế nào?

Xét nghiệm Triple test không thể chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bé yêu mà chỉ cho biết hiện tại thai có nguy cơ bị rối loạn nhiễm sắc thể do di truyền hay không và có cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác. Có 2 trường hợp bất thường ứng với nồng độ AFP tăng và giảm:

  • Nồng độ AFP tăng là dấu hiệu thai nhi có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh (như cột sống chẻ đôi) hoặc thiếu một phần não bộ (vô sọ). Tuy nhiên, mẹ bầu cần phải xác định tuổi thai chính xác. Bởi vì hầu hết các trường hợp AFP tăng là do xác định tuổi thai không đúng.
  • Nồng độ AFP giảm đồng thời cùng với nồng độ hCG và estriol thì thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Down (Trisomy 21 hay tam thể 21), hội chứng Edwards (Trisomy 18 hay tam thể 18) hoặc một số bất thường nhiễm sắc thể khác.

Quy trình thực hiện xét nghiệm

Các bước thực hiện xét nghiệm Triple test là gì? Vì đây là một xét nghiệm không xâm lấn. Nên xét nghiệm Triple test rất an toàn đối với mẹ bầu và thai nhi. Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ làm sạch vùng da trên cánh tay của thai phụ. Sau đó dùng một dây cao su hay garo để thắt chặt cánh tay, giúp việc tìm tĩnh mạch dễ dàng hơn. Tiếp đến, nhân viên y tế sẽ đưa kim tiêm vào tĩnh mạch của mẹ bầu để lấy máu. Vết tiêm sẽ được làm sạch bằng bông gòn y tế và được dán băng keo cá nhân.

Mẫu máu lấy ra sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra và đánh giá. Kết quả xét nghiệm thường có trong vòng 48 – 96 giờ. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể đề nghị mẹ bầu làm thêm các xét nghiệm khác.

Xét nghiệm Triple Test và Double Test có gì khác nhau?

Ngoài nắm được xét nghiệm Triple Test là gì, bạn cũng cần phân biệt được xét nghiệm này với các xét nghiệm sàng học khác. Đặc biệt là Double Test.

Triple Test và Double Test được gọi là bộ đôi xét nghiệm sinh hóa sàng lọc dị tật thai nhi liên quan đến di truyền, rối loạn nhiễm sắc thể. Hai xét nghiệm này đều đưa ra kết quả là thai nhi có nguy cơ cao hay nguy cơ thấp bị dị tật. Từ đó có thể xem xét theo dõi hoặc chăm sóc phù hợp. Hai xét nghiệm này có độ chính xác khoảng 90%, còn phụ thuộc vào số lượng thai, tuổi thai,…

Một số điểm khác nhau nổi bật giữa xét nghiệm Triple Test và Double Test như sau:

1. Thời điểm thực hiện

Khi thai nhi được 11 – 13 tuần tuổi thì nên thực hiện xét nghiệm Double Test. Trong đó, kết quả chính xác nhất là khi làm vào tuần thai 12. 

Xét nghiệm Triple Test được thực hiện sau xét nghiệm Double Test. Cụ thể là khoảng từ tuần thai thứ 15 – 20, tốt nhất là mốc 16 – 18 tuần.

2. Khả năng sàng lọc

Xét nghiệm Double Test giúp sàng lọc nguy cơ mắc hội chứng rối loạn di truyền ở thai nhi bao gồm:

  • Hội chứng Down.
  • Hội chứng Edward (Trisomy 18).
  • Hội chứng Patau (Trisomi 13).

Xét nghiệm Triple Test giúp sàng lọc:

  • Hội chứng Down.
  • Hội chứng Edward (trisomy 18).
  • Nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Giá cả

Xét nghiệm Triple test hiện có thể thực hiện tại nhiều phòng khám, trung tâm xét nghiệm và bệnh viện đa khoa, bệnh viện phụ sản trên cả nước. Tuy nhiên, thai phụ nên lựa chọn xét nghiệm tại các địa chỉ uy tín, trạng thiết bị hiện đại, đảm bảo kết quả chính xác và có tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm.

Chi phí xét nghiệm sàng lọc Triple test thường dao động từ 450.000 – 500.000 VNĐ, tùy vào từng gói xét nghiệm và cơ sở thực hiện xét nghiệm. Hiện nay, tại các phòng khám, bệnh viện khoa sản hầu hết đều áp dụng xét nghiệm Triple test cùng siêu âm, Double test trong gói khám sàng lọc trước sinh, khám thai định kỳ. Các gói khám này sẽ đầy đủ dịch vụ khám thai và sàng lọc, chi phí sẽ rẻ hơn.

Xét nghiệm Triple test có cần nhịn ăn không?

Chuyên gia trả lời rằng, xét nghiệm triple test không cần nhịn ăn uống. Lý do của việc không cần nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm Triple test là vì chất hóa sinh cần định lượng trong xét nghiệm sàng lọc Triple test được lấy từ mẫu máu của mẹ là các chỉ số sinh hóa tự nhiên có sẵn trong máu, không phụ thuộc vào thức ăn và nước uống được dung nạp vào cơ thể.

Hướng dẫn cách đọc kết quả sàng lọc trước sinh Triple Test

triple test
Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm Triple Test

Kết quả xét nghiệm Triple test được đánh giá dựa vào nồng độ của AFP, β-hCG và estriol:

Nếu hàm lượng AFP cao:
  • Thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật ống thần kinh. Chẳng hạn như tật nứt đốt sống hoặc thiếu một phần não bộ (thai vô sọ). Tuy nhiên, hàm lượng AFP cao cũng không nhất thiết chỉ ra rằng bé bị dị tật ống thần kinh. Vì nồng độ AFP còn phụ thuộc vào tuổi của thai nhi đang phát triển. Do đó, AFP cao còn có thể do mang thai đôi, chảy máu âm đạo và sự hiện diện của các dị tật bẩm sinh ít phổ biến hơn.

Nếu hàm lượng AFP thấp và nồng độ β-hCG trong máu cao:

  • Thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Down.

Nếu hàm lượng AFP thấp và nồng độ β-hCG và estriol cũng thấp:

  • Thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Edward.

Tuy nhiên, để chẩn đoán liệu thai nhi có mắc các dị tật bẩm sinh này hay không, cần kết hợp kết quả xét nghiệm Triple test với các thông tin khác. Như tuổi mẹ, tuổi thai, cân nặng, chủng tộc và tình trạng bệnh tiểu đường… Và đặc biệt sử dụng những phương pháp khác như siêu âm, chọc ối…

Điều rất quan trọng cần nhớ là xét nghiệm Triple test là một xét nghiệm sàng lọc và sẽ không cho biết chắc chắn rằng thai nhi có vấn đề hay không. Nghĩa là, kết quả xét nghiệm Triple test bất thường không có nghĩa là trẻ bị dị tật bẩm sinh.

Và ngược lại, kết quả âm tính không có nghĩa là thai nhi không bị khuyết tật ống thần kinh, hội chứng Down hoặc hội chứng Edward. Một số dị tật bẩm sinh sẽ không được phát hiện bằng xét nghiệm Triple test.

Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp các mẹ bầu có cái nhìn tổng quát nhất về sàng lọc trước sinh Triple Test. Bạn có thể tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được các y bác sĩ tư vấn kĩ lưỡng hoặc nhấn vào nút đặt lịch khám để đặt khám ngay.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN