Hội chứng buồng trứng đa nang và phương pháp điều trị

10/01/2023

Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh lý có liên quan đến rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến trong sản khoa. Theo các nhà khoa học, hội chứng này thường xảy ra với tỉ lệ khoảng 5 – 10% ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Hội chứng buồng trứng đa nang là rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormone sinh dục ở nữ giới. Người phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có nồng độ Androgen (hormone nam giới) gia tăng bất thường. Gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nang noãn khiến buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ. Khi nang noãn không phát triển được thì trứng không thể trưởng thành, không rụng trứng, không có khả năng thụ thai. Từ đó gây nên tình trạng hiếm muộn.

Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán xác định hội chứng buồng trứng đa nang

Triệu chứng cơ bản nhất của hội chứng buồng trứng đa nang được ghi nhận trên lâm sàng bao gồm triệu chứng rối loạn phóng noãn, triệu chứng cường androgen và tiêu chuẩn chẩn đoán hình ảnh buồng trứng đa nang trên kết quả siêu âm.

Triệu chứng rối loạn phóng noãn

Được phát hiện qua các biểu hiện của hiện tượng rối loạn kinh nguyệt. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường xảy ra theo các kiểu khác nhau. Kinh nguyệt thưa với chu kỳ thường trên 35 ngày hay có kinh nguyệt dưới 8 lần mỗi năm. Vô kinh với hiện tượng không có kinh nguyệt trên 6 tháng. Vòng kinh nguyệt ngắn với khoảng cách giữa hai lần hành kinh dưới 24 ngày.

Triệu chứng cường androgen

Với biểu hiện lâm sàng là dấu hiệu rậm lông, là một dấu hiệu chỉ điểm lâm sàng chính của triệu chứng cường androgen. Các nhà khoa học đã sử dụng thang điểm Ferriman-Gallway cải tiến để đánh giá tình trạng rậm lông. Đồng thời cũng có biểu hiện của mụn trứng cá, dấu hiệu hói đầu kiểu nam giới.

Về cận lâm sàng, cần xét nghiệm định lượng nội tiết tố testosterone trong máu. Trong đó, định lượng testosterone toàn phần thường có độ nhạy kém trong chẩn đoán cường androgen. Định lượng testosterone tự do có giá trị dự báo cao hơn nhưng có nhiều khó khăn trong phương pháp định lượng trực tiếp testosterone tự do. Do đó hiện nay chỉ số testosterone tự do FTI được khuyến cáo sử dụng để chẩn đoán cường androgen. FTI được tính theo công thức: Testosterone toàn phần/SHBG x 100. Nếu FTI trên 6 được xác định là cường androgen.

Tiêu chuẩn chẩn đoán hình ảnh buồng trứng đa nang trên kết quả siêu âm

Căn cứ vào sự hiện diện của từ 12 nang noãn trở lên có kích thước 2 – 9mm trên một mặt cắt và có dấu hiệu tăng thể tích buồng trứng trên 10ml.

Việc chẩn đoán xác định hội chứng buồng trứng đa nang cần thận trọng. Vì đây là một tập hợp của nhiều triệu chứng và không có một tiêu chuẩn đơn lẻ nào có đầy đủ giá trị cho chẩn đoán lâm sàng. Thực tế hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán xác định khi người bệnh có 2 trong 3 tiêu chuẩn: rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn, triệu chứng cường androgen được căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, có hình ảnh buồng trứng đa nang trên kết quả siêu âm.

Lưu ý các rối loạn hay bệnh lý khác có thể có các triệu chứng giống với hội chứng buồng trứng đa nang cần phải được chẩn đoán phân biệt để loại trừ như tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, các loại u chế tiết androgen, hội chứng Cushing…

hội chứng
Hội chứng buồng trứng đa nang và nguy cơ vô sinh

Tỷ lệ mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu. Tần suất mắc PCOS được cho rằng rơi vào khoảng 4-10% (theo tiêu chuẩn NIH). Khi tiêu chuẩn chẩn đoán được mở rộng bao gồm thêm hai thể PCOS có rụng trứng và PCOS không cường androgen theo tiêu chuẩn Rotterdam thì con số này lên tới xấp xỉ 20%.

Các phương pháp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

Điều trị Hội chứng buồng trứng đa nang thường bao gồm 3 mục tiêu: điều trị vô sinh, điều trị các triệu chứng – cải thiện chất lượng cuộc sống và điều trị các bệnh lý liên quan.

Trong số các mục tiêu này, điều trị vô sinh – hiếm muộn là quá trình điều trị phức tạp nhất. Các bác sĩ thường sử dụng kết hợp một vài trong số 4 phương pháp dưới đây:

  • Điều trị thay đổi lối sống
  • Điều trị nội khoa
  • Điều trị ngoại khoa
  • Điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Điều trị thay đổi lối sống

hội chứng
Điều chỉnh lối sống lành mạnh để phòng tránh và điều trị bệnh

Quan trọng nhất trong thay đổi lối sống đối với những phụ nữ hiếm muộn do PCOS đi kèm thừa cân là giảm cân. Thực tế cứ khoảng 3 bệnh nhân PCOS thì có 1 tới 2 bệnh nhân (38-66%) bị béo phì.

Việc thừa cân có thể vừa là hậu quả lại vừa là yếu tố nguy cơ gây nặng bệnh. Gây giảm tỉ lệ có thai, giảm tỉ lệ trẻ sinh sống và tăng nguy cơ sẩy thai (và tăng nguy cơ kháng insulin). Việc giảm cân nặng từ 5-10% có thể giúp khôi phục rụng trứng và cải thiện khả năng sinh sản.

Người bệnh cần lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp. Giảm lượng carbohydrate và đường cũng như lipid đưa vào cơ thể, tăng cường tập luyện thể dục thể thao.

Chế độ ăn hợp lý là các chế độ ăn sử dụng carbohydrate “heo-thy” như từ rau và hoa quả. Sử dụng thịt nạc như thịt gia cầm, cá và các loại chất xơ.

Các loại carbohydrate khi đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành đường. Vì vậy cần hạn chế các thực phẩm chế biến có carbon tinh luyện. Cần tránh xa như nước ngọt, sữa ngọt, bánh mỳ trắng, nước ép trái cây đóng hộp…

Tránh hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.

Điều trị nội khoa

Một số thuốc cải thiện sự rụng trứng và khả năng sinh sản của bệnh nhân đa nang. Như các thuốc thuộc nhóm kháng androgen. Thậm chí đôi khi ta cần sử dụng một vài loại thuốc tránh thai để tăng khả năng có thai. Hoặc nhóm làm tăng nhạy cảm insulin như metformin hay dùng trong điều trị tiểu đường…

Gần đây vai trò hỗ trợ điều trị hội chứng của inositol cũng ngày càng được quan tâm và ghi nhận. Các hỗn hợp của myo-inositol và chiro-inositol khi được sử dụng có làm cải thiện khả năng rụng trứng và giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ sau này.

Khi điều trị thay đổi lối sống và các nhóm thuốc trên thất bại, các bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc. Thuốc này sẽ kích trứng đường uống để hỗ trợ rụng trứng cho bệnh nhân. Như clomiphen citrate hoặc gần đây là letrozole.

Các thuốc này có thể được sử dụng trong các chu kỳ quan hệ tự nhiên. Canh rụng trứng hoặc các chu kỳ sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF.

Điều trị ngoại khoa

Bệnh sinh của Hội chứng Buồng trứng đa nang có cơ chế gây ra do các nang trứng với số lượng lớn gây tăng tiết AMH, tăng tiết nội tiết tố nhóm androgen, kìm hãm tác động của FSH và gây rối loạn rụng trứng. Việc cắt giảm bớt số lượng các nang trứng này đi có thể cải thiện được phần nào hoặc thậm chí giải quyết được vấn đề. Chính vì logic này mà phẫu thuật điều trị PCOS ra đời.

Có nhiều cách tiếp cận ngoại khoa khác nhau với hiệu quả thu được đáng khích lệ với bệnh nhân:
  • Tăng tỉ lệ rụng trứng.
  • Cải thiện được tính đều đặn của chu kỳ kinh, giảm mụn hay rậm lông, …
  • Và đặc biệt là tăng tỉ lệ có thai.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị đa nang như:
  • Phẫu thuật cắt góc buồng trứng (ovarian wedge resection)
  • Phẫu thuật nội soi khoan – đốt điểm buồng trứng (laparoscopic ovarian drilling)
  • Phẫu thuật khoan – đốt điểm buồng trứng ngả âm đạo dưới hướng dẫn siêu âm (ultrasound-guided transavignal ovarian needle drilling).

Điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản

hội chứng
IUI và IVF/ICSI là các phương pháp thường được áp dụng

IUI và IVF/ICSI là các phương pháp thường được áp dụng. Đây được cho là những giải pháp cuối cùng trong điều trị hiếm muộn.

Nhóm các bệnh nhân PCOS thường được xếp vào nhóm bệnh nhân đáp ứng cao, thuận lợi cho việc điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm do các bệnh nhân này thường có nhiều trứng (chất lượng trứng không thực sự thua kém các bệnh nhân không mang bệnh lý này theo nhiều nghiên cứu) nên thường có nhiều phôi – nâng cao được tỉ lệ có thai cộng dồn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, các bệnh nhân mang Hội chứng Buồng trứng đa nang thường mang trong mình nguy cơ tiềm ẩn về Hội chứng Quá kích buồng trứng (ovarian hyperstimulation syndrome).

Đây là một tai biến có thể nặng trong quá trình điều trị hiếm muộn. Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân cần được tư vấn và hiểu về các nguy cơ mắc phải. Để từ đó, đưa ra lựa chọn phù hợp cho lộ trình điều trị của mình.

Bài viết trên đã cung cấp cho các chị em thông tin về hội chứng buồng trứng đa nang. Đừng chần chừ mà phải đến ngay bệnh viện nếu chị em gặp các triệu chứng của bệnh. Đồng thời chị em nên thăm khám định kỳ. Thực hiện điều trị sớm bệnh lý nhằm ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm. Bảo vệ sức khỏe sinh sản chính là bảo toàn quyền làm mẹ của mình.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao sẽ mang tới cho bạn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Bạn có thể nhấn vào nút đặt khám để đặt khám ngay hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được các y bác sĩ tư vấn kĩ lưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN