Sảy thai – Nhận biết các dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

02/02/2023

Sảy thai – hai từ tuy ngắn gọn nhưng chẳng phụ nữ nào muốn nghe hoặc nhắc tới. Tuy nhiên lại có đến hơn 10% thai phụ không giữ được thai nhi trong những tháng đầu thai kỳ. Tìm hiểu về các dấu hiệu và cách phòng ngừa sảy thai sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ này, hướng tới một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Sảy thai là gì?

Sảy thai là hiện tượng mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là vấn đề được các thai phụ đặc biệt quan tâm. Sảy thai có một số triệu chứng khá phổ biến như xuất huyết âm đạo, chuột rút… Tuy nhiên những triệu chứng này cũng gặp ở các bệnh khác trong thai kỳ. Nên sẽ rất khó xác định chính xác.

Sảy thai có thể do rất nhiều nguyên nhân và thường khó xác định rõ ràng. Tuy nhiên đa phần không phải do lỗi của người mẹ. Người ta cho rằng hầu hết các trường hợp sảy thai là do bất thường nhiễm sắc thể. Là khi em bé có quá nhiều hoặc không đủ NST thì sẽ không thể phát triển đúng cách.

Các nguyên nhân sảy thai

Bất thường về nhiễm sắc thể

Hơn 50% nguyên nhân gây sảy thai 3 tháng đầu là do NST của em bé có vấn đề. NST chứa các gen xác định những đặc điểm riêng biệt của thai nhi. Chẳng hạn như tóc và màu mắt. Thai nhi sẽ không thể phát triển bình thường nếu có sự sai lệch về số lượng hoặc xuất hiện đột biến NST.

Thông thường, sự rối loạn NST xảy ra một cách ngẫu nhiên khi phôi phân chia và phát triển, không phải là vấn đề di truyền từ cha mẹ. Do vậy, nguyên nhân sảy thai tự nhiên sớm này thường không lặp lại một lần nữa nếu người mẹ tiếp tục mang thai trong tương lai.

Cho đến nay y học vẫn chưa thể tìm ra cách nào để ngăn chặn các vấn đề bất thường xảy ra ở nhiễm sắc thể. Tuy nhiên khi phụ nữ càng lớn tuổi, đặc biệt là sau tuổi 35, nguy cơ gặp phải các vấn đề về nhiễm sắc thể nói riêng và sảy thai nói chung sẽ tăng lên.

Tình trạng sức khỏe

Nguyên nhân sảy thai 3 tháng giữa, hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ hai, thường là do tình trạng sức khỏe của người mẹ. Một số vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ sảy thai của phụ nữ bao gồm:

  • Các bệnh nhiễm trùng như mắc Cytomegalovirus (CMV) hoặc rubella;
  • Các bệnh mãn tính được kiểm soát kém như bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp;
  • Bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ và các rối loạn tự miễn dịch hoặc hormone nội tiết khác;
  • Các vấn đề ở tử cung, chẳng hạn như u xơ tử cung hoặc dị tật tử cung;
  • Hở eo cổ tử cung khiến cổ tử cung mỏng đi và mở rộng sớm trước khi thai lớn đủ tháng.

Lối sống

Một số thói quen nguy hiểm của thai phụ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và là nguyên nhân sảy thai tự nhiên sớm, bao gồm:

  • Hút thuốc (một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai sẽ tăng ngay cả khi thai phụ chỉ hút thuốc thụ động, nghĩa là chỉ có người xung quanh hút thuốc);
  • Lạm dụng rượu bia;
  • Sử dụng ma túy và chất kích thích.

Yếu tố môi trường

Ngoài hút thuốc thụ động, một số chất trong môi trường xung quanh nhà ở và tại nơi làm việc của phụ nữ cũng có thể là nguyên nhân sảy thai, cụ thể là:

  • Sử dụng ống nước cũ hoặc tiếp xúc với lớp sơn của những ngôi nhà cổ được xây dựng trước thập niên 80s;
  • Ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế hoặc bóng đèn huỳnh quang bị hỏng, vỡ;
  • Tiếp xúc với các dung môi như chất pha loãng sơn, chất tẩy nhờn, tẩy vết bẩn và vecni;
  • Tiếp xúc với thuốc trừ sâu để diệt côn trùng hoặc động vật gặm nhấm;
  • Nhiễm độc asen do sống gần các bãi thải hoặc sử dụng nước giếng;

Nếu có lo ngại về các yếu tố độc hại từ môi trường sống, chị em phụ nữ cần trình bày rõ với bác sĩ sản khoa để được tư vấn và hỗ trợ thêm.

Các nguyên nhân khác

Thực tế, hầu hết các nguyên nhân sảy thai thường không thể kiểm soát và khó để xác định chính xác. Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố rủi ro khác nhau làm tăng nguy cơ sảy thai, bao gồm:

Tuổi tác:
  • Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ sảy thai cao hơn khoảng 20% và tỷ lệ này sẽ tăng dần theo độ tuổi của chị em (40 tuổi: 40% và 45 tuổi: 80%);
Sau sảy thai nhiều lần:
  • Phụ nữ đã từng bị sảy thai hai lần trở lên có nhiều nguy cơ sẽ lại sảy thai;
Cân nặng:
  • Thiếu cân hoặc thừa cân cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai;
Xét nghiệm tiền sản xâm lấn:
  • Một số xét nghiệm di truyền tiền sản, chẳng hạn như lấy mẫu lông nhung màng đệm và chọc ối, có nguy cơ gây sảy thai nhẹ.

Triệu chứng sảy thai

sảy thai
Dấu hiệu phổ biến nhất của sảy thai là chảy máu âm đạo

Dấu hiệu phổ biến nhất của sảy thai là chảy máu âm đạo. Máu có thể biến đổi từ đốm hoặc dịch màu nâu đến chảy máu nặng, máu màu đỏ tươi hoặc vón thành cục. Hiện tượng này có thể xuất hiện rồi biến mất trong vài ngày.

Tuy nhiên chảy máu âm đạo cũng tương đối phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ mà chưa chắc đã là dấu hiệu cảnh báo sảy thai. Ngay khi thấy biểu hiện này, sản phụ cần đến gặp bác sĩ càng tốt. Đặc biệt với những phụ nữ bị sảy thai liên tiếp (sảy thai tái diễn) càng cần phải cẩn trọng.

Các triệu chứng sảy thai khác bao gồm:
  • Chuột rút, đau bụng dưới;
  • Có dịch nhờn tiết ra từ âm đạo;
  • Mất các triệu chứng thông thường của thai kỳ như đau ngực, người mỏi mệt…
Trong một số ít trường hợp, sảy thai có thể do thai phát triển bên ngoài tử cung. Trường hợp này được gọi là mang thai ngoài tử cung. Lúc này, thai phụ thường có các triệu chứng sau:
  • Đau bụng dai dẳng và dữ dội, thường ở một bên;
  • Chảy máu âm đạo, thường xuất hiện sau khi cơn đau bắt đầu;
  • Đau vai;
  • Tiêu chảy, nôn mửa;
  • Cảm giác lâng lâng, có thể ngất xỉu.

Bà bầu gặp các triệu chứng trên cần được đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Bác sĩ sẽ xác định bạn có bị sảy thai hay không bằng cách thực hiện kiểm tra vùng chậu và siêu âm. Nếu kết quả chắc chắn là sảy thai và tử cung không bị nhiễm trùng, bạn sẽ không cần điều trị. Nhưng nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc một số tình trạng khác, các phương pháp điều trị sau có thể được áp dụng:

Nong và nạo tử cung (D&C):

Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung và nhẹ nhàng loại bỏ các mô hoặc bào thai còn sót lại trong tử cung;

Sử dụng thuốc:

Thuốc có thể được dùng thay cho thủ thuật D&C, chẳng hạn như misoprostol để làm cho tử cung tự lành.

Về chế độ ăn uống, cần lưu ý:
  • Tránh hút thuốc và uống rượu.
  • Kiểm tra cân nặng: chỉ số BMI từ 22 đến 24 là điều kiện lý tưởng để thụ thai.
  • Tránh hấp thụ nhiều cafein: 2 cốc cafe mỗi ngày có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.
  • Bổ sung đầy đủ axit folic.
  • Có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu… vào thực đơn hàng ngày. Trong cá có chứa nhiều omega – 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường.
  • Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống. Hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ngoài ra, mẹ nên tránh một số việc như: Kiêng lạnh, không làm việc nặng, kiêng quan hệ trong 3 tháng đầu vì có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.
  • Quan trọng hơn hết là mẹ bầu nên giữ một tinh thần thoải mái nhất. Cần nhanh chóng loại bỏ nỗi đau cũ để thai kỳ được an toàn nhất có thể.

Vấn đề mang thai sau sảy thai

Hầu hết các yếu tố gây sảy thai nằm ngoài khả năng kiểm soát của thai phụ, tuy nhiên để giảm nguy cơ sảy thai cho những lần mang thai sau, bạn có thể thực hiện các bước sau:

  • Dành thời gian hồi phục sức khỏe và chữa lành những tổn thương về tinh thần sau khi sảy thai;
  • Trao đổi với bác sĩ về thời gian thích hợp để mang thai tiếp theo.
  • Có lịch trình thăm khám tiền sản định kỳ thường xuyên hơn so với trước;
  • Bỏ thuốc lá, rượu và các loại thuốc bất lợi cho thai nhi;
  • Mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp cần giữ các bệnh này trong tầm kiểm soát;
  • Giữ trọng lượng cơ thể ở mức lành mạnh;
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều ngũ cốc, trái cây và rau quả;
  • Cắt giảm lượng caffeine: Giới hạn ở mức 200 mg caffeine (hoặc ít hơn) trong một ngày.

Bị sảy bao lâu thì có thai lại được ?

Sau khi sảy thai, cơ thể cần thời gian từ 2-3 tuần để cho tử cung ra hết dịch và máu đọng còn sót lại cũng như để cổ tử cung đóng lại sau sảy. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại sau 4-8 tuần tính từ ngày sảy thai.

Trường hợp sảy một lần

  • Theo WHO khuyến cáo, vợ chồng bạn nên chờ ít nhất 6 tháng mới nên mang thai trở lại. Quãng thời gian này sẽ giúp cơ thể chị em có thời gian hồi phục lại. Lớp niêm mạc tử cung được khỏe lại và sẵn sàng cho một thời kỳ thai nghén mới.
  • Tuy nhiên, theo công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynecology cho thấy, rút ngắn thời gian chờ đợi để có thai lại sau lần sảy thai trước sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và thai nhi. Theo đó, những cặp vợ chồng thử có thai lại trong vòng 3 tháng sau sảy thai cơ hội thụ thai tăng 71%..

Trường hợp bị sảy hai lần trở lên

Nếu bạn đã từng sảy thai hai lần trở lên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.

Mang thai trứng: 

Mang thai trứng là tình trạng một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch to nhỏ. Chúng dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung lấn át sự phát triển của bào thai. Nếu xác định chính xác là thai trứng thì cần xử trí càng sớm càng tốt. Trường hợp trứng chưa sảy thì nạo hoặc hút.

thai phụ
Tình trạng mang thai trứng chị em phụ nữ thường gặp
Theo dõi sau nạo trứng: 

Lâm sàng: Toàn trạng, tình trạng nghén, máu ra âm đạo, co hồi của tử cung, nang hoàng tuyến và nhân di căn.

Cận lâm sàng:

  • Định lượng Beta- HCG mỗi tuần cho đến khi âm tính 3 lần liên tiếp sau đó định lượng định lượng mỗi tháng một lần cho đến hết 12 tháng. Từ năm thứ 2: 2 tháng một lần trong 6 tháng đầu và 3 tháng 1 lần trong 6 tháng tiếp theo.
  • Siêu âm: Tìm nhân di căn và theo dõi nang hoàng tuyến.

Sau nạo trứng cần theo dõi Beta- HCG mỗi tuần, đến khi âm tính 3 lần là được. Thời gian HCG trở về âm tính thường sau 60-70 ngày. Sau xuất viện, người bệnh phải được theo dõi liên tục 2 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần 1 lần trong 6 tháng kế tiếp và 8 tuần 1 lần trong 8 tháng tiếp theo. Trong thời gian theo dõi, người bệnh không được có thai. Vì nếu mang thai rất có thể bị thai trứng trong những những lần có thai tiếp theo. Nhất thiết phải kiểm tra nồng độ HCG trong nước tiểu khi muốn có thai trở lại.

Nguy cơ cho mẹ khi vỡ kế hoạch có thai sớm hơn so với khuyến cáo của bác sĩ

Thông thường, các cặp vợ chồng đều muốn có con lại ngay sau khi sảy thai. Tuy nhiên, cơ thể mẹ cần một thời gian để hồi phục lại sức khỏe. Việc có thai ngay sau sảy thai có thể khiến cho mẹ gặp phải một số rủi ro như:

  • Không đảm bảo được tình trạng sức khỏe. Sức khỏe chưa kịp hồi phục dẫn đến tình trạng thai nhi bị thiếu máu. Cơ thể mẹ bầu dễ bị suy nhược và sự phát triển của thai nhi không đảm bảo được an toàn.
  • Tâm lý của mẹ có thể chưa sẵn sàng ngay cho lần mang thai tiếp theo.
  • Nếu trước khi kỳ kinh quay trở lại, mẹ đã có thai thì mẹ sẽ không xác định được các mốc trong chu kỳ của mình. Bao gồm cả thời gian rụng trứng. Như vậy, mẹ sẽ không định hình được thời điểm thụ thai hay phát hiện những dấu hiệu có thai sớm.

Những lưu ý khi có thai sau sảy thai

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đều đặn và lành mạnh.
  • Tránh hút thuốc và uống rượu.
  • Tránh hấp thụ nhiều cafein: 2 cốc cafe mỗi ngày có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.
  • Bổ sung đầy đủ axit folic.
  • Có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu… vào thực đơn hàng ngày. Trong cá có chứa nhiều omega – 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường.
  • Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống. Hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ.
Kiểm tra cân nặng: 
  • Chỉ số BMI từ 22 đến 24 là điều kiện lý tưởng để thụ thai.

Ngoài ra, mẹ nên tránh một số việc như: kiêng lạnh, không làm việc nặng. Đặc biệt là kiêng quan hệ trong 3 tháng đầu vì có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai. Quan trọng hơn hết là mẹ bầu nên giữ một tinh thần thoải mái nhất. Cần nhanh chóng loại bỏ nỗi đau cũ để thai kỳ được an toàn nhất có thể.

 Làm thế nào để phòng ngừa sảy thai?

  • Không hút thuốc khi mang thai;
  • Không uống rượu hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp khi mang thai;
  • Cố gắng tránh các bệnh nhiễm trùng trong thai kỳ, chẳng hạn như Rubella;
  • Tránh một số thực phẩm khi mang thai có thể bất lợi cho sức khỏe của mẹ và em bé, ví dụ các loại phô mai mềm (màu trắng hoặc xanh), trứng sống hoặc chưa chín hẳn, các loại pate, thịt sống hoặc chưa chín hẳn, gan động vật,…
  • Kiểm soát cân nặng trước khi mang thai ở mức khỏe mạnh, bởi béo phì làm tăng nguy cơ sảy thai. Một người được coi là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể BMI >30.

Sảy thai là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra với mọi thai phụ. Vì thế, mẹ bầu cần hết sức lưu ý với mọi thay đổi trên cơ thể. Vì đó có thể là dấu hiệu sảy thai. Nếu nhận biết sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, thai phụ vẫn có thể giữ được thai nhi, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Nếu có nhu cầu thăm khám, bạn có thể nhấn vào nút đặt lịch khám để được các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn kĩ lưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM

ĐĂNG KÍ KHÁM HIẾM MUỘN